Hình ảnh từ drone cho thấy mây cuộn tiến vào từ Đại Tây Dương gần mũi Cabo da Roca, Bồ Đào Nha, vào ngày 29-6 vừa qua - Ảnh: AFP
Chiều 29-6-2025, bầu trời phía tây Bồ Đào Nha bất ngờ xuất hiện một dải mây cuộn tròn khổng lồ, trườn sát mặt biển như một cơn sóng thần sắp ập vào bờ.
Theo đài Fox News, cảnh tượng kỳ lạ khiến nhiều người đang tắm biển đứng sững lại, có người thốt lên: "Cứ như trong phim tận thế".
Ngỡ là sóng thần, hóa ra… mây
Tại các bãi biển miền trung và miền bắc Bồ Đào Nha như Peniche, Figueira da Foz hay Póvoa de Varzim, hàng trăm người đã chứng kiến sự xuất hiện của một dải mây khổng lồ mang hình dáng cuộn tròn, di chuyển sát mặt biển, khiến không ít người tưởng rằng một cơn sóng thần đang kéo đến.
Một số người la hét, số khác đứng bất động vì sợ hãi. Du khách và người dân lập tức rút điện thoại ra ghi hình, chia sẻ khắp mạng xã hội.
"Cảm giác như một trận sóng thần bước ra từ phim ảnh vậy", đài Fox News dẫn nội dung một người viết trên X.
Đám mây cuộn đã khiến những người đi biển ngước nhìn lên bầu trời - Ảnh: AFP
Tại bãi biển Buarcos thuộc thành phố Figueira da Foz, anh Tiago Pinho, một người dân địa phương có sở thích theo dõi các hiện tượng khí tượng, đã kịp ghi lại đoạn video dải mây tiến đến với tốc độ bất ngờ.
Anh chia sẻ với Hãng tin AP: "Quý vị thấy không, nó tới nhanh thế đấy! Trời vẫn còn trong xanh, mà chỉ một phút sau đã bị phủ kín".
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ đây chỉ là hiện tượng mây cuộn. "Nhiều người xung quanh tôi bắt đầu hoảng loạn vì không biết chuyện gì đang xảy ra", anh Pinho nhớ lại.
Anh Rui Fernandes, một nhân chứng khác ở khu vực phía bắc, cũng ghi nhận tâm lý hoang mang tương tự: "Ai chưa từng thấy mây này chắc sẽ nghĩ đã có biến lớn".
Nhà khí tượng học Mário Marques, nhà sáng lập nền tảng khí hậu PlanoClima, nhận định với kênh iTV News: "Mây cuộn có hình ống, nếu chưa từng thấy sẽ dễ gây sợ hãi, nhưng thực chất chỉ là một đám mây mà thôi".
Cảnh tượng tuy đáng sợ nhưng cũng gây thích thú. Những hình ảnh mây cuộn phủ ngang chân trời, trông như một con sóng trời khổng lồ, đã lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội toàn cầu.
“Morning glory” - một dạng mây cuộn đặc biệt thường xuất hiện sau bình minh tại vịnh Carpentaria ở Úc - có thể kéo dài hàng trăm dặm - Ảnh: AFP
Sóng mây cuộn và khí hậu cực đoan
Sau những cảm xúc choáng ngợp ban đầu, các nhà khoa học khí tượng bắt đầu lý giải hiện tượng kỳ lạ này.
Trang The Portugal News dẫn lý giải của Viện Khí tượng Biển và Khí quyển Bồ Đào Nha (IPMA), cho biết đây là một dạng mây cuộn (roll cloud), có tên khoa học là "volutus", với hình dạng ống dài nằm ngang, được hình thành vào khoảng 15h ngày 29-6 ngoài khơi và bắt đầu tiến vào đất liền trong khung giờ từ 17h đến 18h, tại khu vực trải dài từ Peniche tới Póvoa de Varzim.
IPMA cũng cho biết hiện tượng này liên quan đến "sóng hấp dẫn khí quyển", một dạng rối loạn khí quyển gây ra chuyển động lên và xuống trong các lớp không khí thấp, được ghi nhận rõ nét qua hình ảnh vệ tinh Meteosat thế hệ 3.
Dải mây cuộn chỉ thực sự hình thành khi có một tổ hợp điều kiện lý tưởng: sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ bề mặt đất nóng và không khí lạnh hơn từ biển, kết hợp cùng độ ẩm cao và dòng khí chuyển động theo phương ngang.
Nhà khí tượng Mário Marques lý giải với kênh iTV News: "Khi mặt đất nóng lên trong ngày, khối khí nóng bốc lên. Nếu có một luồng khí lạnh nặng hơn xâm nhập vào lúc hoàng hôn, nó sẽ đẩy không khí nóng lên, tạo nên sự xoay cuộn đặc trưng của mây volutus".
Cũng theo chuyên gia khí hậu Paulo Ceppi từ Đại học Imperial College London (Anh), hiện tượng này không có gì đáng lo ngại, dù trông có vẻ "rất hoành tráng".
"Chúng trông như kéo dài vô tận, nhưng thực chất không nguy hiểm. Có nhiều điều đáng lo hơn về biến đổi khí hậu", chuyên gia này nói với tạp chí People.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều lưu ý rằng mây cuộn, vốn từng được xem là hiện tượng hiếm gặp, có thể sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai do hệ quả của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Nhiệt độ tại Bồ Đào Nha trong ngày 29-6 đã chạm mốc gần 116°F (khoảng 46,6°C) ở vùng Mora, cũng là mức cao kỷ lục giữa đợt nắng nóng kéo dài vừa diễn ra tại châu Âu.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm bao gồm mưa dông, mưa đá, gió mạnh và cháy rừng cũng đã xảy ra tại nhiều nơi.
Theo báo New York Times, đợt nắng nóng khắp châu Âu không chỉ gây ra mây cuộn ở Bồ Đào Nha, mà còn dẫn tới các vụ cháy lớn ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nhiều người thiệt mạng.
Mây cuộn: Chỉ dấu âm thầm của biến đổi khí hậu
Không chỉ gây ấn tượng thị giác, những đám mây cuộn như ở Bồ Đào Nha còn cho thấy một nghịch lý của thời tiết cực đoan: hiện tượng bất thường ngắn ngủi được tạo ra bởi sự xáo trộn khí quyển dữ dội.
Theo các chuyên gia, dạng mây volutus từng phổ biến ở vịnh Carpentaria (Úc), nơi có sự tương phản thường xuyên giữa không khí nóng và lạnh, nhưng nay đang xuất hiện tại nhiều khu vực khác, như một chỉ dấu âm thầm của khí hậu đang biến đổi theo cách ít ai ngờ tới.