ARTICLE AD BOX
Chuyên gia đặt dấu hỏi về năng lực của F-35 và cách Mỹ triển khai chúng, sau khi quan chức Mỹ tiết lộ một chiếc suýt trúng tên lửa Houthi.
Quan chức Mỹ giấu tên hôm 13/5 nói rằng một tiêm kích tàng hình F-35 nước này từng suýt trúng tên lửa phòng không Houthi khi làm nhiệm vụ trong khuôn khổ Rough Rider, chiến dịch không kích quy mô lớn do Washington phát động từ ngày 15/3 nhằm vô hiệu hóa năng lực quân sự của nhóm vũ trang Yemen.
"Các quả đạn bay gần đến nỗi chiếc F-35 phải thực hiện động tác cơ động để né tránh", người này cho hay.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi nhóm quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tiết lộ Houthi đã "suýt bắn trúng hàng loạt tiêm kích F-16 và một chiến đấu cơ F-35" trong vòng 30 ngày đầu tiên của chiến dịch Rough Rider.
Lầu Năm Góc đến nay chưa bình luận về thông tin, song giới chuyên gia quân sự nhận định sự im lặng này dường như là một cách ngầm thừa nhận. "Các thông tin trên cho thấy tiêm kích Mỹ đã đối mặt với nguy hiểm lớn thế nào trong chiến dịch Rough Rider", biên tập viên Jeff Schogol của chuyên trang quân sự Task and Purpose nhận xét.

Tiêm kích F-35C cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson ở Trung Đông hôm 8/5. Ảnh: US Navy
Tiêm kích tàng hình F-35 có giá khoảng 80-100 triệu USD mỗi chiếc tùy phiên bản. Đây là dòng chiến đấu cơ tối tân do tập đoàn Lockheed Martin phát triển, với khoảng 1.000 chiếc đã xuất xưởng và bàn giao cho quân đội Mỹ cùng đồng minh. Các tiêm kích F-35 dự kiến hoạt động tới năm 2088, chương trình sẽ tốn hơn 2.100 tỷ USD để chế tạo và duy trì hoạt động.
Dan Grazier, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stinson có trụ sở ở Mỹ, cho rằng quân đội Mỹ sẽ đối mặt với "thảm họa thật sự" nếu phòng không Houthi bắn rơi được chiếc F-35.
"Mỹ và đồng minh đã đổ hàng trăm tỷ USD vào chương trình F-35 vì nó được kỳ vọng sẽ trở thành tiêm kích tương lai, đủ sức chống lại các mối đe dọa nghiêm trọng hiện nay và xâm nhập những khu vực được phòng thủ nghiêm ngặt nhất. Mọi tuyên bố về năng lực kỳ diệu của F-35 sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng bị một lực lượng phi nhà nước bắn hạ", ông nói.
Chuyên gia Mỹ cho rằng năng lực chiến đấu của F-35 vẫn còn hạn chế, dù đã trải qua nhiều năm phát triển. Phi cơ cần liên tục cập nhật hệ thống máy tính và phần mềm để sử dụng nhiều vũ khí hiện đại, song quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.
Grazier nhận định Houthi suýt bắn trúng F-35 là "điều hơi bất ngờ, song không gây sốc" nếu xét đến tình trạng hiện nay của dự án.
"Nếu nó không thể sống sót trước mức độ giao tranh như vậy, hoàn toàn có lý do để đặt dấu hỏi liệu phi cơ có thể tồn tại trong những cuộc chiến khốc liệt hơn hay không, dù đây chính là lý do mà Mỹ bỏ ra chi phí rất lớn để thiết kế và chế tạo F-35", ông nêu quan điểm.

Biên đội F-35A Mỹ tại căn cứ Al Udeid ở Qatar hồi năm 2020. Ảnh: USAF
Dự án F-35 đã liên tục bị đội giá và chậm tiến độ kể từ khi nguyên mẫu F-35A thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2005.
Phiên bản F-35A dành cho không quân Mỹ và nhiều nước đồng minh vẫn tiếp tục gặp vấn đề về độ tin cậy. Trong giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của biến thể này đã giảm từ 69% xuống 51,5%, theo chuyên trang không quân Mỹ Air Force Times.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định vụ F-35 suýt trúng tên lửa Houthi không phải do vấn đề kỹ thuật, mà bắt nguồn từ cách quân đội Mỹ sử dụng loại máy bay này trong chiến dịch Rough Rider.
"Họ đã lựa chọn nhiệm vụ không phù hợp với nó", Richard Aboulafia, giám đốc công ty tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory, nêu quan điểm.
Ông đề cập chiến dịch của Israel nhằm vào lãnh thổ Syria, trong đó phi đội F-35I thường tập kích chính xác các mục tiêu chỉ định rồi nhanh chóng rút lui. Chiến thuật "đánh nhanh, rút gọn" giúp phát huy tối đa năng lực tàng hình của F-35, hạn chế nguy cơ nó bị các hệ thống phòng không đối phương nhắm bắn.
Trong khi đó, mục tiêu của Mỹ khi tấn công Houthi là lưới phòng không và lãnh đạo của nhóm vũ trang, vốn có tính cơ động cao và được phân tán ở nhiều địa điểm trên khắp lãnh thổ Yemen. Điều này khiến tiêm kích F-35 phải lộ diện thường xuyên và lâu hơn, làm tăng nguy cơ lọt vào tầm hỏa lực phòng không.
"Tôi thật sự không hiểu tại sao lại huy động F-35 nếu quân đội Mỹ muốn thực hiện chiến dịch kéo dài, nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau được phân bố dàn trải. Houthi cũng không có những hạ tầng mà phi cơ F-35 được thiết kế để phá hủy", ông nói.

Một trong các loại tên lửa phòng không được Houthi phô diễn tại cuộc duyệt binh năm 2023. Ảnh: AFP
Chuyên gia Mỹ cũng lưu ý rằng Houthi sở hữu năng lực phòng không đáng gờm, từng gây thiệt hại nặng nề cho liên quân quốc tế do Arab Saudi dẫn đầu trong chiến dịch không kích Yemen giai đoạn 2015-2022, đồng thời nhắc đến vụ hệ thống phòng không S-125 lạc hậu của Nam Tư từng bắn rơi máy bay tàng hình F-117A hiện đại nhất của Mỹ trong cuộc chiến năm 1999.
"Không chiến đấu cơ nào là bất khả xâm phạm, thiệt hại là điều không thể tránh khỏi trong chiến sự. Điều tồi tệ sớm muộn sẽ xảy ra nếu những chiếc F-35 cứ bay lòng vòng trên không phận Yemen. Dù vậy, mất một vài chiếc F-35 sẽ không phải vấn đề quá nghiêm trọng với Mỹ, trừ khi phi công bị thương vong", Aboulafia cho hay.
Phạm Giang (Theo Task and Purpose, War Zone)