Tướng Mỹ khoe tiêm kích F-47 có tầm bay vượt xa thế hệ cũ

5 nhiều giờ trước kia 1
ARTICLE AD BOX

Thứ tư, 14/5/2025, 10:19 (GMT+7)

Tư lệnh không quân Mỹ tuyên bố F-47 có bán kính chiến đấu hơn 1.850 km, gấp rưỡi tiêm kích đời cũ, và sẽ hoạt động trong vòng 4 năm tới.

"Không quân Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ, sự linh hoạt và khả năng sát thương. Hiện đại hóa tức là triển khai loạt khí tài có thể tạo ra thách thức đặc biệt cho đối thủ và sở hữu năng lực tương xứng với mối đe dọa, song vẫn giữ chi phí ở mức hợp lý", tư lệnh không quân Mỹ David Allvin viết trên mạng xã hội hôm 13/5.

Ông đăng kèm ảnh so sánh thông số của các máy bay thế hệ 4, 5 và 6 của không quân Mỹ. Bức ảnh cho thấy tiêm kích Boeing F-47 có bán kính chiến đấu hơn 1.850 km, gấp 1,5-2,5 lần so với các thế hệ trước, nhưng không rõ cấu hình cụ thể của máy bay để đạt được con số này.

Xếp tiếp theo là chiến đấu cơ hạng nặng F-15EX và tiêm kích tàng hình F-35A, với bán kính chiến đấu lần lượt là 1.280 km và 1.250 km. Tuy nhiên, đây là thông số trong nhiệm vụ tác chiến đối đất, vốn đòi hỏi máy bay mang những vũ khí nặng và có sức cản lớn, khiến bán kính chiến đấu giảm hơn so với cấu hình đối không.

Kai Greet, bình luận viên của trang tin hàng không quân sự Aviationist, nhận định bán kính chiến đấu lớn sẽ giúp F-47 tập kích mục tiêu ở khoảng cách xa hơn những dòng phi cơ tiền nhiệm và giảm gánh nặng cho đội máy bay tiếp dầu.

Thông số máy bay thế hệ 4,5,6 của Mỹ trỏng ảnh đăng ngày 13/5. Ảnh: X/OfficialCSAF

Thông số máy bay thế hệ 4, 5 và 6 của Mỹ trỏng ảnh đăng ngày 13/5. Ảnh: X/OfficialCSAF

Cũng theo bức ảnh được tướng Allvin công bố, tiêm kích F-47 dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2029 và không quân Mỹ dự kiến đặt hàng hơn 185 chiếc.

Chưa rõ "đi vào hoạt động" nghĩa là dòng F-35 sẽ bay thử và đưa vào biên chế sơ bộ tại các đơn vị thử nghiệm, hay đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện. Tư lệnh không quân Mỹ trước đó tuyên bố F-47 sẽ cất cánh trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump kết thúc vào đầu năm 2029.

Đây được cho là mục tiêu tham vọng của không quân Mỹ. Dòng F-35A chỉ được đưa vào biên chế vào năm 2015, gần 10 năm sau khi nguyên mẫu cất cánh lần đầu tiên. Nhà sản xuất cũng đang tiếp tục khắc phục hàng loạt vấn đề kỹ thuật với các phiên bản F-35.

Con số hơn 185 phi cơ dự kiến sản xuất cũng thấp hơn mục tiêu 200 chiếc mà không quân Mỹ công bố trước khi trao hợp đồng cho Boeing. Số liệu này có thể thay đổi trong tương lai, do giới chức Mỹ sẽ liên tục đánh giá và điều chỉnh yêu cầu trong quá trình thực hiện dự án.

Bức ảnh của ông Allvin cho thấy F-47 có tốc độ gần 2.470 km/h, tương đương phi cơ F-22, và sở hữu năng lực tàng hình ở mức "++". Để so sánh, tiêm kích F-22 và F-35 chỉ có năng lực tàng hình mức "+" hoặc không có gì.

 USAF

Hình ảnh mô phỏng của tiêm kích Boeing F-47. Đồ họa: USAF

Tổng thống Donald Trump hôm 21/3 thông báo không quân Mỹ đã trao hợp đồng chế tạo tiêm kích thế hệ 6 cho Boeing, thay vì đối thủ cạnh tranh duy nhất là Lockheed Martin, tuyên bố phi cơ được đặt tên là F-47.

Tư lệnh Allvin khi đó cho biết tiêm kích F-47 sở hữu nhiều tính năng vượt trội so với dòng F-22. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi năm 2018 ước tính giá xuất xưởng của mỗi máy bay thế hệ 6 có thể lên tới 300 triệu USD, song con số này giờ đây có thể cao hơn nhiều.

Phạm Giang (Theo Aviationist)

Đọc toàn bộ bài viết