Tương lai mờ mịt của Harvard khi đối đầu chính quyền Trump

4 nhiều giờ trước kia 2
ARTICLE AD BOX

Đại học Harvard có thể lựa chọn tiếp tục đấu tranh hoặc tìm kiếm thỏa thuận với chính quyền Trump, song cả hai con đường đều đầy thách thức.

Harvard đã trở thành nơi dẫn đầu phong trào phản kháng của giới học thuật Mỹ đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, khi lãnh đạo ngôi trường từ chối thực hiện hàng loạt yêu cầu cải cách mà Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra và đệ đơn kiện chính phủ vào tháng trước.

Các chuyên gia pháp lý nhận định Harvard, với đội ngũ luật sư bảo thủ ưu tú, sẽ tham gia quyết liệt trong vụ kiện nhằm buộc chính phủ nối lại các khoản tài trợ nghiên cứu trị giá hàng tỷ USD.

Những người ủng hộ trường hoan nghênh giọng điệu phản đối công khai sắc bén của Harvard trong cuộc đối đầu này. "Chúc mừng Harvard vì đã không từ bỏ các quyền hiến định của mình" trước chính quyền Trump, thượng nghị sĩ Bernie Sanders tháng trước viết trên mạng xã hội.

Biểu tình kêu gọi ban lãnh đạo Harvard phản đối chính quyền liên bang can thiệp công việc nội bộ của trường tại Cambridge, Massachusetts, hôm 12/4. Ảnh: Reuters

Biểu tình kêu gọi ban lãnh đạo Harvard phản đối chính quyền liên bang can thiệp công việc nội bộ của trường tại Cambridge, Massachusetts, hôm 12/4. Ảnh: Reuters

Nhưng ở hậu trường, một số lãnh đạo cấp cao tại Harvard và những người trong ban quản trị trường tin rằng họ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tốn kém và mệt mỏi, có nguy cơ kéo dài đến tận khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, theo ba nguồn thạo tin.

Ngay cả khi vụ kiện thành công, các lãnh đạo này cho hay họ vẫn sẽ phải đối mặt với những rắc rối lớn có thể buộc đại học lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ phải suy nghĩ lại về bản sắc và quy mô của mình.

Bất kỳ kết quả nào trong cuộc chiến pháp lý với chính phủ cũng có khả năng khiến Harvard phải cắt giảm đáng kể ngân sách nghiên cứu và nhân lực, đồng thời làm suy yếu vị thế vượt trội của họ trong nhiều năm qua, giới quan sát đánh giá.

Nếu thiếu đi cỗ máy nghiên cứu đã góp phần làm nên tên tuổi của trường, người ta lo ngại Harvard có thể trở thành một cơ sở giáo dục đơn thuần, chỉ tập trung vào giảng dạy.

Giới lãnh đạo trường tin rằng lựa chọn rõ ràng duy nhất hiện nay là hợp tác với chính quyền Trump hoặc bằng cách nào đó nhanh chóng có được các khoản tài trợ nghiên cứu khổng lồ, có lẽ đến từ người đóng góp.

Kịch bản này không giống bất kỳ điều gì mà Harvard đã phải đối mặt trong lịch sử hiện đại của trường. Xuyên suốt nhiều thế kỷ, họ luôn được tôn trọng vì tính độc lập, bản sắc cũng như thành tích học thuật xuất sắc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại đang tạo ra hỗn loạn cho ngôi trường và nhiều người tin rằng sẽ rất khó kiểm soát "cơn bão" chừng nào ông còn nhắm tới Harvard.

Hồi đầu tuần, chính quyền Trump đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng khi đe dọa cắt tài trợ cho Harvard vô thời hạn.

"Chính quyền vẫn có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên khó khăn, ngay cả khi tòa án cuối cùng xác định rằng họ đã phạm luật", Samuel R. Bagenstos, cựu cố vấn Bộ Y tế dưới chính quyền tổng thống Joe Biden, cho hay.

Hopi E. Hoekstra, trưởng khoa Nghệ thuật và Khoa học, phân ban lớn nhất tại Harvard, tuần qua đã thừa nhận mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà trường đang gặp phải khi họp với các giảng viên.

"Những hành động từ chính quyền liên bang tạo ra những thay đổi không thể đảo ngược, ít nhất là trong tương lai gần", tờ Harvard Crimson dẫn lời bà nói. "Dù Harvard đang chống lại quyết định đóng băng tài trợ tại tòa án, chúng ta không nên tin việc đó sẽ sớm có kết quả hoặc ngay cả khi Harvard thắng kiện, các khoản tiền sẽ được trả đầy đủ cho chúng ta", tiến sĩ Hoekstra lưu ý.

Tổng thống Trump và cơ quan hành pháp có ảnh hưởng rất lớn đối với Harvard. Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon hôm 5/5 cho biết chính quyền liên bang sẽ ngừng cấp các khoản tài trợ cho Harvard trong tương lai, hay ít nhất là cố gắng làm vậy. Harvard nhận được khoảng 687 triệu USD tiền nghiên cứu từ liên bang trong năm tài khóa 2024, biến ngân sách chính phủ trở thành nguồn thu lớn nhất cho danh mục nghiên cứu của trường.

Harvard gần đây phát hành 750 triệu USD trái phiếu và quỹ quyên góp của trường được định giá hơn 53 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn số tiền trong quỹ này bị hạn chế bởi những điều kiện từ các nhà tài trợ, đồng nghĩa trường không thể chi tiêu tùy ý.

Harvard đã phải ngừng tuyển dụng và bắt đầu sa thải nhân viên. Trường cũng thành lập một nhóm nội bộ, được gọi là Ủy ban Duy trì Nghiên cứu, có nhiệm vụ tìm cách để trường có thể sử dụng một quỹ nghiên cứu nhỏ hơn nhiều, không đến từ chính quyền liên bang.

Hiện tại, Tập đoàn Harvard, hội đồng giám sát trường đại học, quyết định giữ vững lập trường và tiếp tục đấu tranh. Các thành viên hội đồng đặc biệt nhạy cảm với làn sóng phẫn nộ nổi lên trong công chúng sau khi Đại học Columbia và các công ty luật lớn như Paul, Weiss chấp nhận nhượng bộ và tìm cách hòa giải với chính quyền Trump, theo hai trong ba nguồn tin am hiểu những cuộc thảo luận tại trường.

Nhưng một số lãnh đạo tự hỏi liệu trường có thể chịu phản ứng gay gắt ở mức độ ít hơn hay không nếu họ giải thích rằng việc đạt được thỏa thuận với Nhà Trắng là kết quả của quá trình kiện tụng quyết liệt tại tòa án.

Vụ kiện này là câu trả lời của Harvard trước danh sách yêu cầu mà chính phủ gửi đến trường hồi tháng 4, buộc họ phải thay đổi thông lệ tuyển sinh và tuyển dụng, hạ thấp ảnh hưởng của giảng viên, đồng thời nâng cao mức độ "đa dạng quan điểm".

Cựu hiệu trưởng Đại học Harvard Lawrence H. Summers cho biết rất khó đánh giá bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào trước khi các điều khoản của nó được công khai. Song ông cho hay "sẽ là thảm kịch" nếu Harvard giải quyết vấn đề theo cách có thể khuyến khích việc Tổng thống tiếp tục gây sức ép lên những cơ sở giáo dục giống như họ.

Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 17/4. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 17/4. Ảnh: AP

"Harvard gần như có vị thế độc nhất vô nhị, tốt hơn nhiều so với bất kỳ hãng luật riêng lẻ hay công ty, tổ chức nào, nhằm chống lại hành vi gây sức ép của chính phủ, nhờ vào nguồn lực, uy tín và mạng lưới rộng lớn của mình", ông nhấn mạnh.

Chính quyền Trump đã thúc đẩy trường đàm phán. Phát ngôn viên Nhà Trắng Harrison Fields tháng trước cho hay phản ứng gay gắt của Harvard trước các yêu cầu từ chính quyền là "thái quá".

"Họ hiểu rõ hơn ai hết rằng việc không đàm phán sẽ gây tổn hại cho họ thế nào", ông nói.

Chính quyền Trump tuần qua đã lặp lại lời cảnh báo sẽ gây thiệt hại lớn nhất có thể cho Harvard, khi Bộ trưởng McMahon gửi thư tuyên bố trường sẽ không nhận được các khoản tài trợ liên bang.

Tiến sĩ Daniel W. Jones, cựu hiệu trưởng Đại học Mississippi, cho hay các cơ quan liên bang thực sự có cách tác động tới những quyết định tài trợ. "Họ có thể tìm ra một lý do nào đó", ông nói. "Quá nhiều thứ đã bị đảo lộn".

Mặt khác, quá trình kiện tụng có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Harvard đang tìm cách kết thúc nhanh chóng vụ kiện chống lại chính phủ, nhưng phiên điều trần gần nhất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 7. Việc kháng cáo cũng có thể kéo dài cuộc chiến pháp lý, khiến Harvard mất thêm chi phí và thời gian.

Tiến sĩ Jones cũng lưu ý rằng các nhà nghiên cứu "không thể chỉ dừng công việc khoa học của họ lại rồi sau đó tiếp tục như bình thường". Ngay cả nếu Harvard thắng kiện, tình trạng gián đoạn tài trợ vẫn có thể gây tổn hại lớn đến các dự án nghiên cứu khoa học.

"Harvard đang ở một vị thế thực sự tồi tệ", Bagenstos, cố vấn Bộ Y tế dưới chính quyền Biden, nói, thêm rằng toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Mỹ "đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn".

Ngoài ra, theo giới quan sát, sẽ không có gì ngăn cản được chính quyền Trump tiến hành thêm các cuộc điều tra đối với trường, giống như những cuộc điều tra đang được tiến hành bởi ít nhất 5 bộ và cơ quan, trong đó có Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa.

Một số quan chức đại học lo ngại những cuộc điều tra đó, mà cho đến nay dường như chỉ xoay quanh các vấn đề dân sự, có thể bị biến thành các cuộc điều tra hình sự trong những tháng tới.

Vũ Hoàng (Theo AP, AFP, Reuters)

Đọc toàn bộ bài viết