Tính toán của Harvard khi khởi kiện chính quyền Trump

6 nhiều giờ trước kia 3
ARTICLE AD BOX

Khởi kiện chính quyền Trump, Harvard muốn tòa án nhanh chóng xử lý để giải tỏa áp lực tài chính, cũng như tập hợp ủng hộ từ các đại học khác trong cuộc đối đầu Nhà Trắng.

Đại học Harvard ngày 21/4 đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump lên tòa án liên bang thành phố Boston, bang Massachusetts. Động thái diễn ra sau ba tuần ông Trump liên tục gây sức ép nhằm buộc trường phải cải tổ học thuật và quản lý "nhằm giải quyết làn sóng bài xích Do Thái". Harvard phản đối những yêu cầu mà họ cho là "phi lý" này và bị chính quyền liên bang đóng băng hàng tỷ USD tài trợ.

Trong đơn kiện, Harvard cáo buộc Nhà Trắng vi phạm quyền hiến định của trường, kêu gọi tòa án liên bang chặn quyết định đóng băng tiền tài trợ, tuyên bố hành động này và những yêu cầu từ chính quyền ông Trump với Harvard cùng các đại học khác là trái pháp luật.

Giới quan sát đánh giá Đại học Harvard đang áp dụng chiến lược "gậy ông đập lưng ông", khi dùng chính sự vội vàng của Nhà Trắng làm cơ sở để khởi kiện và thúc đẩy tòa án liên bang giải quyết nhanh chóng.

Khuôn viên Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts ngày 22/4. Ảnh: AFP

Khuôn viên Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts ngày 22/4. Ảnh: AFP

Đơn kiện 51 trang của Harvard chủ yếu dựa trên Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA) được thông qua năm 1946, quy định lộ trình thời gian cụ thể để các cơ quan liên bang soạn thảo nguyên tắc và áp biện pháp trừng phạt hành chính. Đây là đạo luật đã được trích dẫn trong đa số vụ kiện nhằm vào chính quyền ông Trump từ đầu nhiệm kỳ hai.

Nỗ lực xử lý Đại học Harvard của chính quyền Trump bắt đầu khi Bộ Giáo dục Mỹ ngày 31/3 cảnh báo sẽ đánh giá lại khoản tài trợ 8,7 tỷ USD cho trường. Chỉ ba ngày sau, Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ đã gửi thư liệt kê những yêu cầu cải cách mà Harvard cần thực hiện.

Khi Harvard tìm cách liên hệ với Nhà Trắng để làm rõ một số thông tin, JTFCAS ngày 11/4 lại gửi tiếp một bức thư yêu cầu trường thực hiện thêm các cải cách để "giải quyết tình trạng bài xích Do Thái", trong đó có thay đổi chương trình giảng dạy và phương thức tuyển sinh.

Việc đẩy nhanh hành động của JTFCAS đã khiến căng thẳng giữa Harvard và chính quyền Trump gia tăng, trong khi trường không có cơ hội đối thoại với Nhà Trắng về cách trường giải quyết vấn đề.

Điều này khiến Harvard ngày 14/4 tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài từ chối thỏa hiệp và công bố nội dung thư của JTFCAS. Chính quyền Trump tức giận, lập tức đóng băng 2,3 tỷ USD tài trợ liên bang cho Harvard để đáp trả, dọa tước quyền miễn thuế, ngăn trường tiếp nhận du học sinh và có thể cắt thêm tài trợ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ hủy một gói tài trợ 2,7 triệu USD cho Harvard. Nhà Trắng gần đây tìm cách nối lại đối thoại, nhưng Harvard từ chối.

Harvard bác bỏ các cáo buộc phân biệt đối xử từ JTFCAS, lập luận cơ quan này đã vi phạm đạo luật APA vì bỏ qua nhiều quy trình đã định như gửi thông báo trước, lấy ý kiến, đánh giá.

"Bên bị đã không tuân thủ quy tắc của chính họ trước khi đóng băng hỗ trợ tài chính liên bang", Harvard viết. Trường viện dẫn Mục VI Đạo luật Quyền Dân sự về cấm các hành động phân biệt đối xử nhất định, đòi hỏi phải có một quy trình cụ thể cho việc đóng băng tài trợ.

Chính quyền Trump "làm hoàn toàn ngược lại", trường lập luận.

Trường viện dẫn Tu chính án Thứ nhất về bảo vệ tự do ngôn luận để phản đối sự can thiệp của chính quyền Trump, cho rằng các yêu cầu về kiểm duyệt, điều tra giảng viên, và thay đổi chính sách tuyển sinh là xâm phạm quyền tự do học thuật và biểu đạt. Trường mô tả những hành động còn lại của ông Trump là "tùy tiện và thất thường".

Đơn kiện cũng hé lộ phần nào nguy cơ nếu Harvard bị cắt tài trợ quá lâu. "Nếu tiếp tục dùng nguồn lực của trường để bù đắp khoản tài trợ liên bang bị cắt, Harvard sẽ phải giảm số lượng tuyển sinh sau đại học, giảng viên và nhân viên nghiên cứu", đơn kiện viết.

Do đó, giới chức Harvard đang kỳ vọng dùng chính sức ép từ chính quyền Trump để thúc đẩy tòa án liên bang sớm ra phán quyết, để ngăn chặn thiệt hại kịp thời hoặc buộc chính phủ phải tuân thủ đúng quy trình pháp lý.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 9/4. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 9/4. Ảnh: AFP

Giới quan sát cho rằng Harvard đang có lợi thế tốt trong cuộc đấu pháp lý. Cựu công tố viên liên bang Michael McAuliffe nhận định Harvard đã đưa ra "loạt cáo buộc cụ thể và thuyết phục về việc chính quyền Trump đang vi phạm Tu chính án Thứ nhất về quyền tự do ngôn luận và nhiều quy định trong APA".

Theo McAuliffe, Harvard là một trong những trường danh giá, giàu có nhất nước Mỹ, nhưng giờ đây đang ở một vị thế khác thường, khi trở thành nạn nhân và bên yếu thế trong cuộc đối đầu với chính phủ

"Chỉ có ông Trump mới có thể biến Harvard thành một nguyên đơn nhận được nhiều đồng cảm như vậy", cựu công tố viên này nói.

Hai luật sư đại diện cho Harvard được đánh giá là hiểu về ông Trump và chính quyền hiện tại. William Burck từng là cố vấn đạo đức cho Trump Organization, công ty của gia đình Tổng thống. Robert Hur từng là quan chức Bộ Tư pháp Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Vụ kiện khả năng phải cần đến Tòa án Tối cao phân xử, và đây có thể là yếu tố có lợi cho Đại học Harvard.

Theo CNN, 4 trong 9 thẩm phán Tòa án Tối cao là cựu sinh viên Harvard, gồm hai thẩm phán tự do Elena Kagan và Ketanji Brown Jackson, hai thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch và Chánh án John Roberts. Ông Gorsuch và ông Roberts từng ra một số phán quyết bất lợi cho Tổng thống Trump.

Steve Wermiel, giáo sư luật hiến pháp Đại học America, nhận định Tòa án Tối cao "thường ủng hộ" tự do ngôn luận, điều Tu chính án Thứ nhất bảo vệ, và tòa có thể coi đây là phương hướng giải quyết vụ kiện. Với tỷ lệ thẩm phán bảo thủ - tự do 6-3 ở Tòa án Tối cao, ông Roberts và Gorsuch sẽ đóng vai trò quyết định thắng bại cho Harvard.

"Hai thẩm phán bảo thủ Samuel Alito và Clarence Thomas ủng hộ ông Trump trong mọi việc, khả năng cao tiếp tục đứng về phía Tổng thống", cựu công tố viên liên bang Neama Rahmani trả lời Newsweek. "Trong những thẩm phán bảo thủ còn lại, ông Gorsuch ủng hộ tự do ngôn luận còn Chánh án Robert thường bảo vệ các tiêu chuẩn hiến pháp và thể chế. Do đó, hai thẩm phán này có thể giúp Harvard có 5 phiếu cần thiết".

Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi về lựa chọn leo thang đối đầu với chính quyền của Đại học Harvard.

"Harvard không thể thắng vụ kiện này. Tại Tòa án Tối cao, Harvard có thể được trao quyền giảng dạy và tuyển dụng theo ý muốn của trường, nhưng họ không có quyền đòi hỏi nhận tài trợ liên bang", luật sư Alan Dershowitz, giáo sư danh dự Trường Luật Harvard, nói với ABC News 4.

Bởi vậy, Dershowitz tin rằng vụ kiện chỉ là chiến thuật của Harvard nhằm tìm kiếm một giải pháp thông qua thương lượng với Nhà Trắng. "Tôi nghĩ cách họ lựa chọn luật sư biện hộ là thông điệp gửi đến chính quyền Trump: Hãy cùng ngồi xuống và giải quyết vấn đề", ông nói.

Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP

Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP

Ngoài Harvard, chính quyền Tổng thống Trump còn gây sức ép với hàng loạt trường khác như Đại học Columbia, Pennsylvania, Brown, Princeton, Cornell và Northwestern.

Nhà Trắng hồi tháng 2 đã đóng băng 400 triệu USD tài trợ liên bang cho Đại học Columbia. Đại học Columbia hồi tháng 3 chấp thuận yêu cầu từ chính quyền Trump, nhưng cơ sở này gần đây chọn lập trường cứng rắn hơn, dường như được truyền động lực từ nỗ lực phản kháng của Harvard.

Harvard cũng đang nhận được sự ủng hộ tinh thần từ nhiều cơ sở giáo dục khác trên khắp nước Mỹ. Hơn 220 lãnh đạo các đại học và tổ chức giáo dục Mỹ ngày 22/4 đã ký tên vào tuyên bố chung lên án chính quyền Tổng thống Trump can thiệp chính trị và lạm quyền.

Giáo sư Kermit Roosevelt, Trường Luật Đại học Pennsylvania, đánh giá Harvard có cơ sở pháp lý mạnh, đặc biệt là các cáo buộc dựa trên Mục VI và APA.

"Dường như chính quyền Trump đang làm điều họ muốn mà không cần quan tâm đến luật pháp", ông Roosevelt trả lời Washington Post. Theo chuyên gia về hiến pháp này, một chiến thắng dành cho Harvard sẽ thúc đẩy các trường khác đối đầu ông Trump. "Nhưng nếu Harvard thất bại, điều đó cũng đồng nghĩa sự phản kháng kết thúc".

Như Tâm (Theo CNN, Washington Post, Newsweek)

Đọc toàn bộ bài viết