ARTICLE AD BOX
Iran đang biên chế nhiều tàu mang vũ khí tầm xa, cho phép tung đòn phủ đầu vào tiền đồn chiến lược Diego Garcia của Mỹ, theo giới chuyên gia.
Ảnh vệ tinh thương mại được hãng Planet Labs của Mỹ chụp hôm 2/4 cho thấy ít nhất 6 oanh tạc cơ tàng hình B-2 nằm tại bãi đỗ máy bay của căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Chưa rõ có phi cơ nào nằm trong 4 nhà chứa dạng vỏ sò gần đó hay không,
Mỹ hiện biên chế 19 máy bay B-2, nhưng ít nhất một chiếc đang phải sửa chữa sau sự cố sập càng hồi năm 2021 và một số phi cơ nằm xưởng bảo dưỡng. Điều này khiến số máy bay triển khai ở căn cứ Diego Garcia tương đương gần 50% phi đội B-2 sẵn sàng chiến đấu của không quân Mỹ.
Thông tin được công bố giữa lúc Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ "ném bom với quy mô chưa từng thấy" nếu Iran không đạt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

6 oanh tạc cơ B-2 (khoanh đỏ) tại căn cứ Diego Garcia trong ảnh vệ tinh chụp hôm 2/4. Ảnh: Planet Labs
"Oanh tạc cơ B-2 là mối đe dọa lớn với Iran, nhờ khả năng xâm nhập sâu trong lãnh thổ đối phương và tập kích chính xác nhằm vào các cơ sở kiên cố, nằm sâu dưới lòng đất", biên tập viên Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone cho biết.
Đợt triển khai của oanh tạc cơ tàng hình Mỹ được đánh giá là bất thường, do chúng hiếm khi hiện diện tại đảo Diego Garcia trong thời gian dài và số lượng lớn. Hồi tháng 8/2024, một chiếc B-2 hạ cánh xuống Diego Garcia, đánh dấu lần đầu dòng máy bay này xuất hiện ở hòn đảo sau 4 năm. Tuy nhiên, phi cơ B-2 không tắt động cơ mà chỉ tiếp dầu rồi nhanh chóng cất cánh.
Các nhiệm vụ Lực lượng Oanh tạc cơ Đặc biệt (BTF) của Mỹ thường huy động không quá 3 chiếc B-2, thông tin và hình ảnh cũng được công bố chỉ vài giờ sau khi chúng xuất hiện tại căn cứ.
Đảo san hô Diego Garcia có diện tích 30 km2 và được coi là tiền đồn chiến lược của quân đội Mỹ, cho phép họ triển khai lực lượng khắp Trung Đông, Trung Á, Nam Á và Ấn Độ Dương. Đây cũng là một trong số ít địa điểm có thể tiếp nhận oanh tạc cơ B-2.

Vị trí căn cứ Diego Garcia. Đồ họa: Sky News
Khoảng cách ngắn nhất giữa lãnh thổ Iran và đảo Diego Garcia là 3.795 km. Điều đó đồng nghĩa hòn đảo nằm ngoài tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo, hành trình và máy bay không người lái (UAV) đã công khai của Tehran, trong trường hợp chúng được phóng trực tiếp từ lãnh thổ Iran.
Sự hiện diện của oanh tạc cơ B-2 tại Diego Garcia thường được coi là thông điệp dằn mặt của Washington gửi đến Tehran, do phi đội ở đây có thể xuất kích tùy ý và tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Iran mà không gặp trở ngại nào.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng Iran đã cải thiện đáng kể năng lực quân sự, khiến đảo Diego Garcia không còn là địa điểm an toàn tuyệt đối như trước.
"Iran những năm qua đã biên chế hàng loạt chiến hạm có khả năng khai hỏa lượng lớn tên lửa đạn đạo, hành trình và UAV tự sát tầm xa. Nước này cũng chứng tỏ được năng lực triển khai vũ khí từ tàu dân sự bằng bệ phóng giấu trong container", Trevithick cho hay.
Tàu hậu cần đa năng Shahid Mahdavi và hộ vệ hạm Dena của Iran từng di chuyển cách đảo Diego Garcia khoảng 1.300 km trên hành trình tới Malaysia hồi tháng 2. Chiến hạm Shahid Mahdavi cũng thể hiện năng lực tiến công khi phóng hai tên lửa đạn đạo dòng Fateh, có tầm bắn 1.700 km, trúng mục tiêu trong cuộc diễn tập ở Vịnh Oman hồi năm ngoái.
Chiến hạm Shahid Mahdavi khai hỏa tên lửa đạn đạo trong video công bố hồi tháng 2/2024. Video: IRGC
"Các chiến hạm Iran có thể phóng lượng lớn tên lửa và UAV, khiến lưới phòng không tại hòn đảo bị quá tải. Iran từng áp dụng chiến thuật tương tự để tập kích Israel hai lần trong năm 2024", Trevithick cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo oanh tạc cơ B-2 ở bãi đỗ có thể bị hư hại, thậm chí phá hủy hoàn toàn trong đòn tấn công của Iran. Nguy cơ này đã được chứng minh trong xung đột Ukraine, khi nhiều chiến đấu cơ của cả hai bên bị phá hủy ngay tại sân bay sau các đòn tập kích bằng UAV tự sát hoặc tên lửa đạn đạo.
"Oanh tạc cơ B-2 là báu vật quốc gia không thể thay thế và cũng rất mỏng manh. Thiệt hại, dù chỉ một chiếc, do bị UAV giá rẻ tập kích cũng sẽ là đòn giáng mạnh vào năng lực quân sự chiến lược của Mỹ", Trevithick nêu quan điểm.
Mối đe dọa từ kho tên lửa hiện đại của Iran còn nghiêm trọng hơn so với UAV.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 1, Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Mỹ nhận định chỉ cần 10 tên lửa với khả năng rải đạn con trong bán kính 70 m là đủ để vô hiệu hóa toàn bộ máy bay đậu ngoài trời, cũng như các kho chứa nhiên liệu quan trọng tại nhiều căn cứ không quân chủ chốt của Washington.
Với căn cứ Diego Garcia, toàn bộ máy bay đậu ngoài trời sẽ bị phá hủy hoặc hư hại nặng nếu bị 5 tên lửa như vậy tập kích, theo Trevithick.
Chưa rõ lý do phi đội B-2 đậu ngoài trời tại tiền đồn Ấn Độ Dương. Biên tập viên của War Zone cho rằng đó có thể là động thái cố ý của Mỹ nhằm phô trương lực lượng với Iran, nhưng cũng không loại trừ khả năng thiếu nhà chứa máy bay.
Trên đảo chỉ có 4 nhà chứa máy bay hình vỏ sò với thiết bị kiểm soát môi trường được gọi là Hệ thống Trú ẩn B-2 (B2SS) chuyên phục vụ mẫu oanh tạc cơ tàng hình này, nhằm bảo vệ lớp vỏ tàng hình của máy bay khỏi tác động từ khí hậu.

Oanh tạc cơ B-2 bên trong nhà chứa máy bay tại căn cứ Diego Garcia hồi năm 2020. Ảnh: USAF
B2SS không phải nhà chứa kiên cố, mà là bộ khung kim loại được phủ bạt kín. Điều này khiến chúng không thể chống đỡ các đòn tập kích bằng UAV hoặc tên lửa tầm xa, mà chỉ có thể che giấu phi cơ bên trong và khiến đối phương khó xác định mục tiêu cụ thể.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hôm 2/4 đáp trả ông Trump, cảnh báo rằng Tehran sẽ "giáng đòn mạnh mẽ" nếu bị Washington tấn công. Một quan chức cấp cao giấu tên của Iran hôm 2/4 nói với tờ Telegraph của Anh rằng nước này đang cân nhắc tung đòn tập kích phủ đầu vào căn cứ Diego Garcia nếu lời đe dọa của Tổng thống Mỹ trở thành hiện thực.
Nguồn tin thêm rằng một số người đề xuất phóng tên lửa về phía hòn đảo, nhưng không nhắm vào khí tài hay cơ sở hạ tầng, mà để đạn lao xuống biển nhằm phát thông điệp răn đe tới Mỹ.
"Mức độ thành công của đòn phủ đầu nhằm vào Diego Garcia vẫn là bí ẩn. Iran có thể tiến hành những biện pháp phô diễn sức mạnh, nhưng kịch bản này cũng ít khả năng xảy ra. Dù vậy, mọi tính toán sẽ thay đổi nếu phi đội B-2 ở Diego Garcia trực tiếp tấn công Iran. Quân đội Mỹ sẽ phải chuẩn bị mọi kịch bản dự phòng trường hợp này", Trevithick nêu quan điểm.
Phạm Giang (Theo War Zone, Telegraph, AFP)