ARTICLE AD BOX
Pakistan phát động chiến dịch tập kích loạt mục tiêu quân sự Ấn Độ, dường như để răn đe New Delhi và tái khẳng định vị thế của mình trong khu vực.
Quân đội Pakistan đêm 9/5, rạng sáng 10/5 phát động chiến dịch Bunyanun Marsoos (Bức tường chì) nhằm "trả đũa những hành động hung hăng từ Ấn Độ". Đây được coi là câu trả lời của Pakistan sau khi Ấn Độ thực hiện chiến dịch Sindoor hôm 7/5, nhắm vào các mục tiêu bị cáo buộc là "cơ sở khủng bố" tại Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
"Chúng tôi sẽ bảo vệ mọi tấc đất của đất nước. Quân đội đã chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ quê hương, không phận và an ninh quốc gia", chính phủ Pakistan đăng bài viết trên tài khoản mạng xã hội X sau khi chiến dịch diễn ra.
Giới chuyên gia nhận định chiến dịch Bunyanun Marsoos không chỉ là hành động trả đũa quân sự, mà còn mang nhiều mục đích chiến lược, chính trị và ngoại giao của Pakistan.

Tiêm kích JF-17 của Pakistan tại diễn tập AMAN-25 gần thành phố Karachi ngày 10/2. Ảnh: AFP
Thông điệp này được thể hiện ngay từ cách đặt tên cho chiến dịch. Theo Al Jazeera, cụm từ "Bunyanun Marsoos" lấy cảm hứng từ kinh Quran, trong đó có đoạn "Đấng Allah yêu mến những người chiến đấu cho ngài, như thể họ là một bức tường chì vững chắc".
Với cách đặt tên này, Pakistan dường như muốn khắc họa hình ảnh của họ là một "bức tường không thể xuyên thủng", hoặc "thành trì chiến đấu cho chính nghĩa". Nó cũng có thể góp phần khơi dậy tinh thần dân tộc, củng cố lòng tin của công chúng vào chính phủ.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dư luận Pakistan sục sôi sau khi Ấn Độ tiến hành chiến dịch Sindoor, với nhiều lời kêu gọi trả đũa trên truyền thông cũng như mạng xã hội. Phần lớn những bài viết này kêu gọi chính phủ và Pakistan có phản ứng mạnh mẽ để "bảo vệ danh dự quốc gia".
Đại tá Sofiya Qureshi, phát ngôn viên quân đội Ấn Độ, cho biết trong chiến dịch hiệp đồng này, Pakistan đã triển khai kết hợp nhiều loại vũ khí, gồm drone, đạn tuần kích, tên lửa tầm xa và cả tiêm kích để nhắm mục tiêu vào hạ tầng quân sự của Ấn Độ.
Theo Guardian, chiến dịch Bunyanun Marsoos có thể đã được thực hiện bởi ba quân chủng chính của quân đội Pakistan, gồm Không quân, Lục quân và Hải quân, với sự phối hợp từ Cơ quan Tình báo Liên ngành (ISI).
Không quân Pakistan đã triển khai tiêm kích JF-17 Thunder và có thể đã sử dụng tên lửa PL-15E do Trung Quốc sản xuất. Lục quân Pakistan khai hỏa pháo tự hành M109A5 và hệ thống rocket đa nòng A-100 pháo kích dọc Đường Kiểm soát (LoC), biên giới trên thực tế với Ấn Độ. Hải quân Pakistan, dù ít được nhắc đến, có thể đã tăng cường tuần tra tại vùng biển gần Karachi để đề phòng các hành động trả đũa từ Ấn Độ.
Theo Reuters, trong chiến dịch diễn ra trong khoảng 30 phút, Pakistan còn sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Shaheen-II và tên lửa dẫn đường chính xác như Fateh-2, đồng thời huy động máy bay không người lái (UAV) để giám sát theo thời gian thực, đảm bảo độ chính xác của các cuộc tấn công.
Một số nguồn tin cho biết tên lửa Fateh-2 đã bị hệ thống phòng không Ấn Độ đánh chặn tại Sirsa, Haryana, nhưng các cuộc tấn công khác được báo cáo là đạt mục tiêu.
Pakistan tuyên bố đã phá hủy kho tên lửa siêu thanh BrahMos tại Beas, Punjab, Ấn Độ, cùng nhiều mục tiêu quân sự khác. Theo truyền thông Pakistan, việc tấn công vào kho tên lửa BrahMos là "đòn phản công mang tính biểu tượng", vì BrahMos là biểu tượng sức mạnh quân sự của Ấn Độ và là một phần quan trọng trong chiến lược răn đe của New Delhi.
BBC dẫn lời nhà phân tích quân sự Ejaz Hussain cho rằng đòn tấn công của Pakistan nhắm vào các mục tiêu chiến lược như kho tên lửa BrahMos ở Beas cho thấy Pakistan dường như đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để thể hiện sức mạnh quân sự, đặc biệt là khả năng sử dụng tên lửa dẫn đường và UAV, vốn là những công nghệ mà Pakistan đã phát triển với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Các nguồn tin từ Pakistan cho biết chiến dịch còn nhắm vào các căn cứ không quân lớn của Ấn Độ tại Udhampur, Pathankot, Adampur, những địa điểm được coi là trung tâm triển khai tiêm kích Rafale và Su-30MKI, vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch Sindoor của Ấn Độ.
Quân đội Pakistan cho hay tiêm kích JF-17 đã khai hỏa tên lửa siêu vượt âm vào căn cứ quan trọng tại thị trấn Adampur ở bang Punjab, khiến một tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của đối phương bị phá hủy.
Phát ngôn viên quân đội Ấn Độ Qureshi thừa nhận Pakistan còn sử dụng "tên lửa vận tốc cao" để tấn công loạt căn cứ không quân quan trọng như Udhampur, Bhuj, Pathankot và Bathinda, gây ra thiệt hại về nhân lực cùng khí tài. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ bác thông tin hệ thống S-400 bị Pakistan phá hủy.
Giới quan sát cho rằng việc nhắm vào kho tên lửa BrahMos và các căn cứ không quân là cách thức để Pakistan chứng minh họ có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Ấn Độ, phá vỡ hình ảnh "bất khả xâm phạm" của New Delhi.
Điều này còn giúp Pakistan tái khẳng định vị thế của mình trong khu vực Nam Á, phát đi thông điệp rằng nước này có khả năng đáp trả bất kỳ hành động quân sự nào từ Ấn Độ, quốc gia vốn có lợi thế vượt trội về kinh tế và quân sự.
Ấn Độ có ngân sách quốc phòng 75 tỷ USD, gấp 10 lần Pakistan. GDP của Ấn Độ là khoảng 4.200 tỷ USD, vượt xa mức 374 tỷ USD của Pakistan. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Pakistan gần đây đã tăng cường hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là các hệ thống tên lửa và UAV, nhằm duy trì chiến lược "bất đối xứng" đối phó với Ấn Độ.
Chiến dịch Bunyanun Marsoos cũng có thể là công cụ để Pakistan gây áp lực lên cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Liên Hợp Quốc và các nước trong khu vực, nhằm buộc Ấn Độ phải ngồi vào bàn đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã kêu gọi hai bên kiềm chế.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã viện dẫn Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc, khẳng định quyền tự vệ của Pakistan, trong khi Bộ Ngoại giao Pakistan triệu tập Đại biện lâm thời Ấn Độ để phản đối các cuộc không kích hôm 7/5. Giới chức Pakistan nhấn mạnh chiến dịch này là "phản ứng hợp pháp" trước hành động quân sự của Ấn Độ.

Các khu vực tại Ấn Độ bị Pakistan tập kích sáng 10/5. Đồ họa: CNN
Theo chuyên gia Srujan Palkar, nhà nghiên cứu toàn cầu về Ấn Độ tại Hội đồng Đại Tây Dương, giải pháp ngoại giao khả thi để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay là các bên đàm phán lại Hiệp ước Nước sông Ấn, vốn là "điểm nghẽn" trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Chiến dịch Bunyanun Marsoos có thể là động lực để phía Pakistan buộc Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình này.
Mặc dù cả hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân, mục đích của Pakistan trong chiến dịch này dường như không phải là đẩy xung đột đến bờ vực chiến tranh toàn diện. Chuyên gia Alex Plitsas từ Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft dự đoán khả năng xung đột song phương leo thang thành chiến tranh toàn diện là thấp, do cả hai bên đều nhận thức được hậu quả thảm khốc. Islamabad muốn thể hiện rằng họ có khả năng đáp trả tương xứng mà không vượt qua "lằn ranh đỏ" dẫn đến xung đột hạt nhân.
Căng thẳng những ngày qua đã khiến giá dầu thế giới biến động mạnh, do Ấn Độ phải nhập khẩu hơn 80% lượng dầu tiêu thụ. Thị trường chứng khoán ở cả hai nước cũng chịu áp lực, với các nhà đầu tư lo ngại về bất ổn khu vực. Pakistan, với nền kinh tế yếu hơn, có thể đối mặt với khó khăn lớn hơn nếu xung đột kéo dài.
Ashley Tellis, chuyên gia từ Quỹ Carnegie (Mỹ), nhận định cuộc đối đầu hiện tại là một thất bại của chính sách ngoại giao, nhưng cả hai bên đều có động lực để hạ nhiệt, vì một cuộc chiến toàn diện sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cả hai nền kinh tế.
Phong Lâm (Theo RIA Novosti, Reuters, Guardian)