Thiết kế giúp chiến hạm Triều Tiên có hỏa lực 'như một hạm đội'

17 nhiều giờ trước kia 1
ARTICLE AD BOX

Thứ sáu, 4/4/2025, 08:00 (GMT+7)

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu chiến mới nhất của Triều Tiên đủ chỗ chứa cho khoảng 50 tên lửa, tương đương nhiều chiến hạm trong biên chế nước này.

Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại Mỹ, hôm 2/4 công bố phân tích ảnh vệ tinh thương mại chụp xưởng đóng tàu Nampo của Triều Tiên hồi cuối tháng 3.

Bức ảnh cho thấy tàu chiến thuộc lớp hộ vệ hạm mới của Bình Nhưỡng đã hạ thủy và đang trong quá trình hoàn thiện. Triều Tiên cũng đang chế tạo một chiếc khác với thiết kế tương tự tại nhà máy đóng tàu Chongjin.

Chuyên gia Lewis nhận định boong tàu có không gian đủ lớn để lắp đặt 50 ống phóng thẳng đứng (VLS), cho phép nó mang được hàng chục tên lửa khác nhau.

"Tôi nghĩ bệ phía trước lắp được 32 ống phóng, khu vực phía sau sẽ ít hơn một chút. Con số sẽ giảm đi đáng kể nếu họ quyết định trang bị tên lửa đạn đạo. Dù vậy, số lượng này vẫn tương đương với hạm đội tàu mặt nước trong biên chế của họ hiện nay", chuyên gia này nhận định.

 Planet Labs

Chiến hạm Triều Tiên trong ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu Nampo hồi cuối tháng 3. Ảnh: Planet Labs

Trang bị hệ thống VLS thống nhất giúp tàu chiến mang được nhiều tên lửa và chủng loại đa dạng hơn, cũng như đơn giản hóa quy trình nạp đạn và khai hỏa.

Lewis cho biết Triều Tiên chưa từng trang bị VLS cho các thế hệ tàu mặt nước trước đây, song đã phát triển một số tên lửa có thể khai hỏa từ loại bệ phóng này. Chúng bao gồm tên lửa hành trình diệt hạm và tấn công mặt đất, tên lửa phòng không và tên lửa đạn đạo.

Chuyên gia Mỹ nhận định khả năng tương thích với VLS cũng giúp tên lửa Triều Tiên trở thành lựa chọn hấp dẫn với một số khách hàng nước ngoài. "Tên lửa Triều Tiên có thể không tốt bằng tên lửa Nga, song giá rẻ hơn nhiều", ông cho hay.

Chưa có nhiều thông tin về lớp hộ vệ hạm mới của Bình Nhưỡng. Truyền thông nhà nước Triều Tiên lần đầu đăng hình ảnh rõ nét về mẫu tàu chiến này hồi tháng 12/2024, nhân dịp lãnh đạo Kim Jong-un thị sát nhà máy đóng tàu Nampo.

Quân đội Hàn Quốc ước tính tàu có lượng giãn nước khoảng 4.000 tấn, chưa bằng một nửa so với khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ. Dù vậy, giới quan sát vẫn nhận định đây là chiến hạm lớn nhất trong lịch sử Triều Tiên.

Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng hệ thống vũ khí trên lớp hộ vệ hạm này khá giống với tiêu chuẩn của hải quân Hàn Quốc. Lớp tàu mới cũng được đánh giá là hiện đại hơn nhiều so với phần còn lại của hải quân Triều Tiên.

Tuy nhiên, Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, đánh giá hai chiến hạm mới vẫn chưa đủ khả năng tạo ra khác biệt trong trường hợp xảy ra xung đột ở bán đảo Triều Tiên.

"Chúng có số lượng quá ít và dường như không đủ khả năng hoạt động xa bờ, công nghệ cũng tụt hậu hàng chục năm so với các chiến hạm Hàn Quốc và Mỹ. Dù vậy, sự xuất hiện của loại tàu chiến này vẫn cho thấy Triều Tiên đang nghiêm túc đầu tư để tăng cường năng lực và giúp hải quân không chỉ là lực lượng bám bờ", ông Koh nêu quan điểm.

Ông Kim Jong-un (áo trắng ngoài cùng bên phải) thị sát mẫu chiến hạm mới tại xưởng Nampo trong ảnh đăng cuối tháng 12/2024. Ảnh: KCTV

Ông Kim Jong-un thị sát chiến hạm mới tại xưởng Nampo trong ảnh đăng cuối tháng 12/2024. Ảnh: KCTV

Ông Kim Jong-un năm ngoái từng nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cấp sức mạnh cho hải quân. Truyền thông Triều Tiên hồi tháng 3 công bố ảnh ông Kim thị sát một nhà máy chế tạo chiến hạm cỡ lớn, trong đó có tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này tự chế tạo.

"Đội tàu chiến với sức mạnh áp đảo phải đóng vai trò là lực lượng răn đe hạt nhân mạnh mẽ để chống lại chính sách 'ngoại giao pháo hạm' thường thấy của các thế lực thù địch", truyền thông Triều Tiên dẫn lời ông Kim Jong-un nói.

Phạm Giang (Theo Reuters, KCNA)

Đọc toàn bộ bài viết