Thế khó của các đối tác khi đàm phán thuế quan với ông Trump

1 tuần trước kia 11
ARTICLE AD BOX

Đại diện hàng loạt quốc gia gặp khó khi tìm cách đàm phán với Mỹ, do không biết nên tiếp cận ai, còn ông Trump không nêu rõ mong muốn của mình với đòn thuế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 thông báo kế hoạch áp thuế 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4. Sau đó, kể từ ngày 9/4, hàng loạt đối tác thương mại của Mỹ chịu mức thuế đối ứng cao hơn, lên tới 50%. Nhiều bên đã nhanh chóng tìm cách tiếp cận chính quyền Trump để thương lượng.

Trả lời phỏng vấn Fox Business ngày 7/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết ông Trump "giỏi hơn ai hết trong việc giữ cho mình lợi thế tối đa". Đó là lý do ông chủ Nhà Trắng công bố kế hoạch áp thuế và "cho đối tác vài ngày để suy ngẫm".

"Như đã khuyên hôm 2/4, tôi đề nghị các bên giữ cái đầu lạnh, không leo thang và mang đến Mỹ đề nghị tốt nhất về cách giảm thuế quan, rào cản phi thuế quan, chấm dứt thao túng tiền tệ, chấm dứt trợ giá. Một lúc nào đó, Tổng thống Trump sẽ thương lượng", ông Bessent nói.

Theo ông Bessent, "50, 60, có thể là gần 70 đối tác" đã liên hệ với chính quyền Tổng thống Trump để thương lượng.

"Tổng thống sẽ trao đổi với bất kỳ bên nào sẵn sàng nhấc điện thoại lên gọi. Tôi có thể nói rằng tiếng chuông điện thoại liên tục vang lên, vì mong muốn thương lượng với chính quyền này", thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt phát biểu ngày 8/4. "Có những lãnh đạo muốn đến Washington ngay đêm nay".

Nhưng hạn chót 9/4 đã trôi qua mà không có bất cứ thỏa thuận nào được chính quyền Trump công bố. Các đối tác thương mại bị Mỹ áp thuế vẫn chưa thể tìm ra cách giải quyết bài toán thuế đối ứng. Họ không biết cần phải tiếp cận quan chức nào ở Mỹ, hay phải đưa ra những nhượng bộ gì để thuyết phục ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Donald Trump (giữa), Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (trái) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tại Nhà Trắng ngày 3/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump (giữa), Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (trái) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tại Nhà Trắng ngày 3/2. Ảnh: AFP

Giới quan sát cho rằng bất chấp những lời trấn an, Mỹ còn cách rất xa một thỏa thuận thương mại thực chất với các đối tác lớn. Quá trình thương lượng song phương khó đẩy nhanh và việc quá nhiều bên liên hệ cùng lúc khiến Nhà Trắng không theo kịp, vì chính quyền Trump có ít quan chức thương mại và kinh tế.

"Nếu muốn giải quyết tất cả cùng lúc, chắc chắn họ sẽ gặp vấn đề về nguồn lực", Bill Reinsch, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói với Politico. "Tôi nghĩ sẽ có sự ưu tiên. Hãy chờ xem ai là người kế tiếp. Nhưng cũng có thể là bất kỳ ai đến trước cũng được".

Một số quan chức Nhà Trắng cho hay Mỹ sẽ ưu tiên đàm phán với các đồng minh như Nhật và Hàn Quốc. Tuy nhiên, một đồng minh khác của Mỹ là Philippines lại chưa được ưu tiên như vậy.

"Tôi không chắc lắm về mức độ tiếp nhận của Bộ Thương mại Mỹ với đề xuất Bộ trưởng Philippines gặp người đồng cấp Mỹ. Tất cả chúng tôi đều đang chờ câu trả lời", quan chức Philippines nói, nhắc đến đại diện một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Một quan chức ngoại giao nói nước họ đã tiếp cận trợ lý của ông Trump ở nhiều cấp, nhưng những người này không trả lời hoặc không muốn làm gì khác ngoài lắng nghe.

Không có quan chức hàng đầu nào của ông Trump "được ủy nhiệm để thương lượng", quan chức ngoại giao thứ ba nói. Những vị trí cấp thấp lại không đủ thẩm quyền hoặc không biết về ý định của Nhà Trắng. "Ngay cả khi có một cuộc họp thì bạn cũng không nhận được gì ngoài một dòng tweet tốt đẹp".

"Phía Mỹ đang gửi đi những tín hiệu trái chiều. Vài quan chức nói không có chỗ cho đàm phán", theo một quan chức ngoại giao Đông Nam Á. "Và rồi tôi lại nghe có bên bảo rằng Israel đang đến, Nhật Bản đang đến. Tôi nghĩ chắc chắn có thể thương lượng".

Trong khi đó, giới chức Mỹ chưa nói cụ thể chính quyền Mỹ đang tìm kiếm những nhượng bộ gì để mở đường đàm phán.

Tổng thống Trump hoan nghênh các cuộc trao đổi với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, gặp trực tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 7/4. Nhưng Nhà Trắng không thông báo những sự kiện này có giúp đẩy nhanh đàm phán hay ông Trump có cân nhắc giảm thuế cho đồng minh hay không.

Ông Trump dường như không lay chuyển, ngay cả khi ông Netanyahu nêu rõ Israel cam kết xóa bỏ thâm hụt thương mại với Mỹ và nới lỏng các rào cản thương mại trong lúc hai lãnh đạo trả lời báo giới ở Phòng Bầu dục.

"Điều đó thật tốt", ông Trump chỉ đáp lại ngắn gọn.

Tổng thống Trump từng nhấn mạnh ông quan ngại nhất về thâm hụt thương mại của Mỹ và muốn khắc phục tình trạng này trước khi cân nhắc dỡ bỏ thuế quan.

Ông chủ Nhà Trắng và các quan chức thương mại Mỹ đã đánh giá nhượng bộ mà một số bên đưa ra là chưa đủ. Campuchia, đối mặt thuế đối ứng 49%, đã đề xuất miễn thuế với 19 nhóm hàng hóa nhập từ Mỹ. Thái Lan tỏ ý muốn tăng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Mỹ để giảm thặng dư.

Một trở ngại nữa là các bên dù muốn cũng khó thay đổi những rào cản thương mại của họ như thuế hay tiêu chuẩn nội địa. Nhiều bên có những yếu tố không thể kiểm soát trong thương mại với Mỹ, như cấu trúc của nền kinh tế hay sức mua, xu hướng tiêu dùng từ Washington.

"Mọi thứ phức tạp hơn những gì ông Trump nghĩ, vì khi xét đến rào cản phi thuế quan, chúng ta sẽ không chỉ nói về những con số, mà còn về cách các bên tổ chức nền kinh tế và xã hội của họ", theo ông Reinsch.

Trong thời gian chờ đợi, một số bên đã chọn đáp trả. "Chúng tôi vẫn cho rằng thương lượng là biện pháp hợp lý hơn, nhưng vấn đề là họ không đàm phán", quan chức ngoại giao một nước đã tìm cách liên hệ với giới chức Mỹ nói.

Số khác xây dựng chiến lược dài hạn để giảm thiểu tác động từ thuế quan. Chính phủ Colombia trao đổi với các lãnh đạo khu vực tư nhân về việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, song song với vạch lộ trình tiếp cận Washington, theo một quan chức Colombia.

"Họ vẫn đang cân nhắc xem nên làm gì", một quan chức Mỹ Latin đã trao đổi với chính quyền Trump nói. "Họ trì hoãn, rồi lại thông báo, lặp đi lặp lại. Tôi nghĩ họ chỉ đang chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra".

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện ngày 8/4. Ảnh: AFP

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện ngày 8/4. Ảnh: AFP

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer ngày 8/4 điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, gọi chính sách thuế quan của ông Trump là biện pháp thương mại "đối ứng".

"Thiếu đối ứng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới và với những đối tác nhất định", ông Greer nói. "Tổng thống nhắm đến thâm hụt thương mại do phi đối ứng gây ra làm cơ sở cho tình trạng khẩn cấp quốc gia là điều hợp lý".

Ông Greer vẫn không nêu rõ chính quyền Trump kỳ vọng thế nào từ các đối tác, mốc thời gian để đàm phán hay mục tiêu cuối cùng của quá trình thương lượng là gì.

"Tùy theo từng bên. Sẽ có bên không giải quyết được rào cản thuế quan hoặc phi thuế quan hay giảm thâm hụt, và sẽ có bên tôi nghĩ làm được điều đó", ông Greer nói.

Như Tâm (Theo Politico, Reuters, Fox Business)

Đọc toàn bộ bài viết