Tân Giáo hoàng Leo XIV được kỳ vọng hàn gắn Giáo hội

11 nhiều giờ trước kia 3
ARTICLE AD BOX

Hồng y Prevost trở thành người Mỹ đầu tiên trở thành Giáo hoàng và nhiều người hy vọng lập trường cân bằng của ông có thể giúp hàn gắn rạn nứt trong Giáo hội.

Khói trắng đã xuất hiện trên ống khói Nhà nguyện Sistine trong ngày thứ hai diễn ra Mật nghị Hồng y bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis. Lần đầu tiên trong lịch sử, một Hồng y người Mỹ trở thành Giáo hoàng lãnh đạo 1,4 tỷ tín đồ Công giáo.

Hồng y Robert Francis Prevost, 69 tuổi, sau đó xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter, ra mắt toàn thể tín đồ với tư cách là Giáo hoàng Leo XIV.

"Cầu bình an đến các bạn", tân Giáo hoàng Leo XIV nói với đám đông ở quảng trường bên dưới. "Chúng ta phải cùng nhau cố gắng trở thành một nhà thờ truyền giáo, một nhà thờ xây cầu nối và đối thoại, luôn rộng mở như quảng trường này, để dang rộng vòng tay chào đón tất cả những ai cần lòng bác ái và sự hiện diện của chúng ta".

Vatican mô tả ông là giáo hoàng thứ hai đến từ châu Mỹ sau người tiền nhiệm Francis, đồng thời là giáo hoàng đầu tiên theo Dòng Thánh Augustine.

Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt

Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt tối 8/5. Video: AP

Giáo hoàng Leo XIV sinh ra tại Chicago, bang Illinois, Mỹ năm 1955 với cha mẹ là người gốc Tây Ban Nha và Pháp - Italy. Lớn lên ở Dolton, bang Illinois, ông từng làm người giúp lễ tại Nhà thờ St. Mary ở ngoại ô phía nam Chicago.

Ông hoàn thành chương trình phổ thông tại trường trung học St. Augustine Seminary năm 1973 và từng nhận thư khen ngợi vì thành tích học tập xuất sắc. Ông lấy bằng cử nhân chuyên ngành toán học tại Đại học Villanova, bang Pennsylvania năm 1977. Ông nói được tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italy, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, đồng thời có thể đọc hiểu tiếng Latin và tiếng Đức.

Anh trai Prevost cho biết ông đã khao khát trở thành linh mục từ khi còn nhỏ. Tháng 9/1977, ông gia nhập Dòng Thánh Augustine với tư cách tập sự tại nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở bang Missouri.

Năm 1982, ông được trao bằng Thạc sĩ Thần học tại Liên minh Thần học Công giáo, một trường sau đại học tại Chicago. Trong cùng năm, ông được phong linh mục.

Ông nhận bằng cử nhân luật giáo năm 1984 và chuyển đến Peru làm việc một năm sau đó, nơi ông được cấp quốc tịch. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên trở về Mỹ với vai trò mục sư và tu viện trưởng ở quê nhà.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật giáo năm 1987 tại Học viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Rome, Italy, ông trở lại Peru năm 1988 và dành 10 năm tiếp theo lãnh đạo chủng viện Dòng Thánh Augustine tại Trujillo, phía tây bắc nước này.

Đầu tháng 3/1999, linh mục Prevost trở về Mỹ đảm nhiệm chức vụ Tỉnh dòng Augustine Chicago. Giai đoạn 2001-2013, ông giữ chức Tổng Bề trên của Dòng Thánh Augustine, một vai trò lãnh đạo quốc tế quan trọng. Trong thời gian này, ông đã đi nhiều nơi trên thế giới để thăm các cộng đoàn Augustine và thúc đẩy sự hiệp nhất và phát triển của dòng.

Năm 2014, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm ông làm Giám mục giáo phận Chiclayo ở Peru. Trong thời giam làm giám mục tại Chiclayo, ông thường xuyên đến thăm các cộng đồng dân cư ở vùng xa xôi hẻo lánh, tập trung vào phục vụ người nghèo, củng cố các giáo xứ và thúc đẩy công bằng xã hội.

Yolanda Diaz, giáo viên và là thành viên nhà thờ ở Chiclayo, cho hay thay vì yêu cầu mọi người trong giáo phận đến nhà thờ, giám mục Prevost luôn muốn "đưa nhà thờ đến với mọi người" và luôn gần gũi, quan tâm tới các vấn đề của tín đồ ở địa phương.

Ông trở thành Tổng giám mục vào tháng 1/2023. Ba tháng sau, Giáo hoàng Francis bổ nhiệm ông làm Tổng trưởng Thánh Bộ Giám mục. Đây là một trong những cơ quan quan trọng nhất của Vatican, đảm nhận nhiệm vụ lựa chọn và giám sát bổ nhiệm các giám mục trên thế giới.

Động thái này cho thấy Giáo hoàng Francis coi trọng kinh nghiệm phụng sự và sự đa dạng trong vai trò lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, theo giới quan sát. Cuối năm 2023, Giáo hoàng Francis phong ông làm Hồng y, trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Hồng y đoàn.

Prevost được cho là người ủng hộ tiếp nối cải cách Giáo hội của Giáo hoàng Francis. Ông cũng có chung quan điểm với cố Giáo hoàng về các vấn đề người di cư, người nghèo và môi trường.

Với tư cách hồng y, Robert Francis Prevost đã không ngần ngại thách thức các hành động của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông từng đăng lại một bài viết trên mạng X chỉ trích việc chính quyền trục xuất một cư dân Mỹ tới El Salvador và chia sẻ bài bình luận chỉ trích Phó tổng thống JD Vance.

Đối với nhiều người, lời kêu gọi xây dựng cầu nối trong phát biểu đầu tiên với tư cách giáo hoàng cho thấy Hồng y Prevost, nay là Giáo hoàng Leo XIV, muốn tiếp nối lập trường của người tiền nhiệm về vấn đề nhập cư. Giáo hoàng Francis hồi đầu năm từng chỉ trích kế hoạch trục xuất hàng loạt của chính quyền Trump "làm tổn hại đến phẩm giá của nhiều đàn ông và phụ nữ".

"Ông ấy là người cân bằng, điềm tĩnh và xử lý tốt khủng hoảng", mục sư Mark R. Francis, bạn học cũ của Giáo hoàng Leo XIV, nói. "Ông ấy suy nghĩ thấu đáo và có sự lãnh đạo ổn định".

Michele Falcone, linh mục trong Dòng Thánh Augustine mà Hồng y Prevost lãnh đạo, cho biết tân Giáo hoàng là người có phong cách lãnh đạo theo hướng hợp tác và có thể ứng biến linh hoạt tùy thuộc vào bối cảnh. Hồng y Prevost cũng được biết đến là người hay chơi tennis và hâm mộ bóng chày.

Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt tín đồ từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter ngày 8/5. Ảnh: AP

Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt tín đồ từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter ngày 8/5. Ảnh: AP

Nhiều đồng nghiệp đánh giá cao những thành tích của tân Giáo hoàng trong thời gian ông làm Giám mục ở Peru. Ông cũng được hưởng lợi từ mạng lưới quốc tế mạnh mẽ mà ông đã xây dựng trong Giáo hội khi làm việc với tư cách là người được Giáo hoàng Francis giao trọng trách về bổ nhiệm giám mục ở nhiều nơi trên thế giới.

Giáo hoàng Leo XIV giờ phải đối mặt với thách thức hàn gắn những rạn nứt sâu sắc giữa phe bảo thủ và cấp tiến trong Giáo hội. Sự thận trọng của ông khi lên tiếng về các vấn đề gây chia rẽ như ban bước cho người đồng tính có thể giúp ông trở thành lựa chọn dễ chịu với nhiều hồng y.

"Ông ấy là người có thể khiến những người cấp tiến và cả những người bảo thủ đều cảm thấy thoải mái. Cả hai bên đều có thể tìm thấy những điều mà họ ca ngợi và đồng cảm ở ông ấy. Tôi không nghĩ điều đó có thể giải quyết dứt điểm những khác biệt trong Giáo hội, nhưng đó là một thành công", Cha Robert Sirico, chủ tịch danh dự của nhóm nghiên cứu về đức tin Viện Acton ở Mỹ, nhận xét.

Thùy Lâm (Theo WSJ, BBC)

Đọc toàn bộ bài viết