ARTICLE AD BOX
Thứ bảy, 29/3/2025, 22:44 (GMT+7)
Số người chết do động đất tại Myanmar tăng vọt giữa hai lần cập nhật chính thức hôm nay, từ 1.007 người lên 1.644.
Chính quyền Myanmar đêm 29/3 cập nhật số người chết do động đất là 1.644, số người bị thương là 3.408. Ngoài ra, giới chức Myanmar ghi nhận ít nhất 139 trường hợp trình báo mất tích.
Con số thương vong dự kiến còn tăng mạnh trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định quy mô thiệt hại về người và tài sản giờ đây mới dần hiện rõ, khi số liệu từ các khu vực bị cô lập được báo cáo cụ thể hơn.
Giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Myanmar Mohamed Riyas nói có thể mất nhiều tuần mới đánh giá được đầy đủ mức độ tàn phá của trận động đất, song cho rằng tác động "rất nghiêm trọng".

Người phụ nữ được giải cứu từ đống đổ nát một tòa chung cư ở Mandalay chiều 29/3, hơn 24 tiếng sau trận động đất 7,7 độ làm rung chuyển Myanmar. Ảnh: AFP
Trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3 có tâm chấn gần thành phố Sagaing, miền trung Myanmar, được nối tiếp bởi dư chấn mạnh 6,7 độ chỉ vài phút sau đó. Các cơn địa chấn với sức rung lắc mạnh đã phá hủy nhà cửa, làm sập cầu và nứt toác nhiều con đường trên cả nước.
Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar với hơn 1,7 triệu dân, hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Người dân xếp hàng tích trữ xăng và thực phẩm để chuẩn bị cho nhiều ngày mất điện, bệnh nhân phải nằm ngoài trời vì bệnh viện chính của thành phố đã quá tải.
"Chúng tôi cần viện trợ", Thar Aye, cư dân Mandalay 68 tuổi, cho biết. "Chúng tôi không có đủ bất cứ thứ gì".

Một phần di tích hoàng cung Myanmar tại thành phố Mandalay đổ sụp sau trận động đất trưa 28/3. Ảnh: AP
Nhiều xe cứu thương hôm nay di chuyển trên các tuyến đường tại Mandalay dẫn đến một bệnh viện cách thành phố khoảng hai giờ đi xe, nơi còn nhiều phòng bệnh hơn.
Ông Kyi Minn, giám đốc văn phòng Myanmar của tổ chức nhân đạo World Vision, cho biết chưa từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nào với quy mô tương tự trong hơn 30 năm hoạt động ở nước này. Nhu cầu cấp thiết nhất hiện tại là lương thực và nước uống.
"Chúng tôi lo sẽ xảy ra khủng hoảng nước vì một phần hạ tầng cấp nước đã bị phá hủy", ông nói, bổ sung rằng vận chuyển hàng cứu trợ sẽ gặp nhiều thách thức vì hàng loạt tuyến cao tốc tại Myanmar chịu hư hại nặng, trong khi các sân bay ở Mandalay và Naypyidaw tạm đóng cửa.

Nhân viên cứu nạn tìm người sống sót dưới một tòa nhà sập ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, sáng 29/3. Ảnh: AP
Giới chức Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và kêu gọi quốc tế hỗ trợ.
Ấn Độ viện trợ 15 tấn hàng nhân đạo đến Myanmar vào sáng nay. Ngoài ra, nước này còn phát động Chiến dịch Brahma, lập cầu hàng không để chuyển bệnh viện dã chiến với biên chế 118 nhân viên y tế. Hai máy bay chở 80 chuyên gia tìm kiếm cứu nạn và 4 tàu hải quân chở hàng viện trợ cũng được điều động đến Myanmar.
Liên Hợp Quốc đã phân bổ 5 triệu USD cho công tác cứu nạn ban đầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/3 thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ Myanmar nhưng không nói rõ nội dung cụ thể.
Bộ tình trạng khẩn cấp Nga điều động hai máy bay chở 120 nhân viên cứu nạn và vật tư sang Myanmar. Nhiều nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia cũng điều động chuyên gia đến hỗ trợ.

Vị trí tâm chấn động đất và đường đứt gãy Sagaing. Đồ họa: Quỹ Mô hình Động đất Toàn cầu
Thanh Danh (Theo AFP, Al Jazeera)