Robot hình người - chìa khóa cuộc cách mạng sản xuất ở Trung Quốc

4 nhiều giờ trước kia 1
ARTICLE AD BOX

Trong một nhà kho rộng lớn ở ngoại ô Thượng Hải, hàng chục robot hình người luyện gấp quần áo, làm bánh sandwich, mở cửa... suốt 17 giờ mỗi ngày.

AgiBot, công ty khởi nghiệp người máy đang vận hành nhà kho ở Thượng Hải, thu thập dữ liệu để huấn luyện robot nhằm thay đổi cách con người sống, làm việc và vui chơi.

"Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, trong nhà máy sản xuất robot của chúng tôi, những robot này sẽ tự tay lắp ráp đồng loại", Yao Maoqing, chuyên gia của AgiBot, nói.

Trong chuyến thị sát nhà xưởng của AgiBot ở Thượng Hải tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của người máy với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề cấp bách như dân số già, tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Bắc Kinh đang tăng tốc trong một cuộc cách mạng công nghiệp mới, nơi robot thay con người đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong nhà máy.

Trong những năm gần đây, robot hình người ở Trung Quốc đã chứng minh trình độ phát triển bằng các màn nhào lộn, chạy bán marathon, chơi bóng đá. Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, kết hợp với thành công của các công ty nội địa trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) như DeepSeek, đã biến các sản phẩm robot thử nghiệm thành robot có giá trị kinh tế.

Các nhà sản xuất, nhà đầu tư, khách hàng và nhà phân tích Trung Quốc nhận định những đột phá trong phát triển "bộ não" robot sẽ biến những cỗ máy kim loại này thành lực lượng lao động mang tính cách mạng trong chuyển đổi phương thức sản xuất.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng lợi thế bằng cách tập trung đào tạo dữ liệu và xây dựng mô hình AI tinh vi. Việc những robot này được triển khai thành công và toàn diện trong nhà máy sẽ giúp Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì lợi thế sản xuất.

Chính quyền Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ các công ty phát triển robot. Hơn 20 tỷ USD đã được phân bổ cho lĩnh vực này trong năm qua. Bắc Kinh đang thành lập quỹ 137 tỷ USD hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI và robot. Số tiền mà chính phủ Trung Quốc chi tiêu vào mua sắm robot hình người và công nghệ liên quan đã tăng lên 214 triệu nhân dân tệ (29,6 triệu USD) năm 2024 so với mức 4,7 triệu tệ năm 2023.

Chính quyền địa phương liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Thâm Quyến thành lập quỹ hỗ trợ AI và robot trị giá 10 tỷ nhân dân tệ. Các nhà sản xuất robot hình người và cung cấp linh kiện ở Vũ Hán có thể nhận trợ cấp lên tới 5 triệu tệ và thuê văn phòng miễn phí nếu đạt điều kiện mua sắm và bán hàng. Chính quyền Bắc Kinh năm 2023 thành lập quỹ robot với mức hỗ trợ lên tới 30 triệu tệ cho các công ty muốn đẩy nhanh quá trình xây dựng sản phẩm đầu tiên.

Một số nhà phân tích dự đoán robot hình người có thể đi theo quỹ đạo của xe điện, lĩnh vực có chi phí sản xuất giảm mạnh trong thập kỷ qua nhờ làn sóng các nhà sản xuất tham gia và chính phủ mạnh tay hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng.

Nhà xưởng thu thập dữ liệu người máy của AgiBot ở Thượng Hải ngày 20/3. Ảnh: Reuters

Nhà xưởng thu thập dữ liệu robot hình người của AgiBot ở Thượng Hải ngày 20/3. Ảnh: Reuters

Chi phí nguyên vật liệu trung bình để sản xuất một robot hình người là 35.000 USD vào cuối năm nay nhưng có thể giảm xuống còn 17.000 USD vào năm 2030 nếu nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, theo Ming Hsun Lee, giám đốc nghiên cứu lĩnh vực công nghiệp và ô tô tại Bank of America Securities.

Theo ba công ty sản xuất người máy ở Trung Quốc, chi phí sẽ giảm một nửa trong vòng một năm. "Với chuỗi cung ứng toàn diện đang có, Trung Quốc có lợi thế đáng kể trong giảm chi phí sản xuất robot", Lee nhận định, ước tính doanh số bán robot hình người mỗi năm trên toàn cầu có thể đạt một triệu vào năm 2030. "Ngành công nghiệp này đang trong giai đoạn bùng nổ".

So với AI tạo sinh cần lượng dữ liệu văn bản, hình ảnh, âm thanh khổng lồ từ Internet để đào tạo mô hình nền tảng, nguồn cung cấp dữ liệu cần thiết để đào tạo các mô hình AI cho robot hình người (AI hiện thân) nhỏ gọn hơn nhiều.

Robot hình người cần tương tác với môi trường thực tế và huấn luyện dựa trên các tập dữ liệu tập trung vào nhiệm vụ cụ thể như xếp hộp, rót nước vào cốc. Năm ngoái, chính quyền Thượng Hải đã hỗ trợ AgiBot mở nhà xưởng thu thập dữ liệu, cho công ty thuê miễn phí mặt bằng để chứa 100 robot do 200 con người vận hành mỗi ngày.

Yao cho hay nhà xưởng của AgiBot giúp công ty thu thập dữ liệu chất lượng cao, dữ liệu tập trung để huấn luyện mô hình AI hiện thân. Chính quyền Bắc Kinh và Thâm Quyến cũng cho xây dựng các nhà xưởng tương tự. Việc mở rộng triển khai robot hình người, đặc biệt trong các nhà máy, sẽ thúc đẩy quá trình thu thập dữ liệu.

MagicLab, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực người máy, cho hay đã tập trung vào phát triển bộ não robot và gần đây bắt đầu triển khai nguyên mẫu trên các dây chuyền sản xuất để thực hiện nhiệm vụ như kiểm tra chất lượng, xử lý vật liệu và lắp ráp.

"Những đột phá này đặt nền tảng cho trọng tâm của chúng tôi trong năm 2025: ứng dụng trong thế giới thực", CEO Wu Changzheng nói, tiết lộ đang tích hợp robot hình người của công ty với các mô hình AI của DeepSeek, Qwen của Alibaba và Doubao của ByteDance.

"DeepSeek rất hữu ích trong suy luận và xử lý nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển bộ não robot của chúng tôi", ông nói.

Lợi thế rõ rệt nhất của Trung Quốc nằm ở việc nước này thống trị mảng phần cứng cấu thành robot hình người, với khả năng sản xuất tới 90% linh kiện người máy. Một số công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc đang bán robot chỉ với giá 88.000 tệ (12.178 USD).

"Nếu bạn hỏi mua vào buổi sáng, các nhà cung cấp có thể mang linh kiện hay sản phẩm tới chào hàng vào buổi chiều, hoặc bạn có thể trực tiếp tới nhà máy của họ xem hàng", Zhang Miao, giám đốc điều hành công ty CASBOT tại Bắc Kinh cho hay. "Ở nước ngoài khó mà làm được điều này vì các công ty cần nhập linh kiện từ Trung Quốc".

Hàng loạt công ty mới trong lĩnh vực này đang thành lập ở Trung Quốc. Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, năm 2024, 31 công ty Trung Quốc tung ra 36 mẫu robot hình người, còn Mỹ công bố 8 mẫu. Ít nhất 6 công ty Trung Quốc, trong đó có những doanh nghiệp đầu ngành như Unitree hay UBTech đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

 Reuters

Robot là quần áo trong xưởng thí nghiệm của AgiBot ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Trong khi ngành công nghiệp này vẫn ở giai đoạn đầu, các nhà lập pháp Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về tác động mà robot hình người đem tới cho lực lượng lao động. Theo khảo sát năm 2023 của Cục thống kê Trung Quốc, có 123 triệu người làm việc trong ngành sản xuất ở Trung Quốc.

Trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc năm nay, Zheng Gongcheng, chuyên gia về an sinh xã hội, đã cảnh báo sự phát triển của robot và AI sẽ ảnh hưởng tới 70% lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc, dẫn tới giảm mạnh các khoản đóng góp cho an sinh xã hội.

Cũng trong kỳ họp, Liu Qingfeng, chủ tịch công ty AI iFlytek, đề xuất thành lập chương trình "bảo hiểm thất nghiệp AI", chi khoản bảo hiểm 6-12 tháng lương cho người lao động bị robot thay thế.

Tang Jian, giám đốc công nghệ tại Trung tâm đổi mới về Robot hình người ở Bắc Kinh, hồi tháng 4 cho biết các mẫu mà trung tâm phát triển hướng đến công việc mà con người không muốn làm do tính chất nhàm chán, đơn điệu hoặc nguy hiểm.

Bắc Kinh cho rằng AI và người máy là chìa khóa giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực như chăm sóc người già, lĩnh vực mà nhu cầu đang tăng lên khi dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc già hóa.

Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 12/2024 công bố chương trình chăm sóc sức khỏe người già quốc gia, khuyến khích tích hợp người máy và AI. Ngay sau đó, Ant Group, người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ, tuyên bố thành lập công ty con mới có tên Ant Lingbo Technology, tập trung phát triển người máy chăm sóc người già và các lĩnh vực khác.

"Trong 5-10 năm nữa, người máy có thể dọn phòng cho cư dân, đi lấy hàng, thậm chí bế người từ giường vào phòng tắm", Yao nói.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Đọc toàn bộ bài viết