Giải thưởng cao nhất (Grand Prize) thuộc về bức ảnh "Unseen Unsung Heroes" của nhiếp ảnh gia Angel Fitor (Tây Ban Nha)
Giải thưởng Nhiếp ảnh Môi trường 2025 năm nay thu hút hàng nghìn tác phẩm dự thi từ khắp nơi trên thế giới, nhằm tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm và sự xâm lấn của con người đối với hệ sinh thái.
Cuộc thi gồm 5 hạng mục chính: Kỳ quan vùng cực (Polar Wonders), Vào rừng sâu (Into the Forest), Thế giới đại dương (Ocean Worlds), Con người và thiên nhiên (Humanity versus Nature), và Những người tạo thay đổi: Lý do cho hy vọng (Change Makers: Reasons for Hope).
Ngoài ra, ban tổ chức còn trao giải do công chúng bình chọn và giải do sinh viên bình chọn.
Tác phẩm chiến thắng ở hạng mục "Thế giới đại dương" là bức ảnh Unseen Unsung Heroes, ghi lại cảnh những con giun nhiều tơ (polychaete) đang đẩy cát ra khỏi hang dưới đáy biển. Bức ảnh này cũng đem về cho nhiếp ảnh gia kiêm nhà sinh vật biển Angel Fitor (Tây Ban Nha) Giải thưởng lớn (Grand Prize) với khoản tiền thưởng 5.000 Euro.
Ngoài ra, Angel Fitor còn đoạt giải ở hạng mục "Những người tạo thay đổi: Lý do cho hy vọng" với bức ảnh Training Day, chụp một chú rùa biển con đang phục hồi tại trung tâm cứu hộ ở Tây Ban Nha. Hai tác phẩm khác của ông là Night Stalker và Beauty Languages cũng lọt vào danh sách đề cử ở hạng mục "Thế giới đại dương".
Người giành chiến thắng cao nhất được nhận phần thưởng trị giá 5.000 Euro và được mời dự Lễ khai mạc triển lãm ảnh tại Công quốc Monaco.
Mỗi nhiếp ảnh gia chiến thắng ở 5 hạng mục riêng biệt sẽ nhận khoản hỗ trợ 1.000 Euro, ghi nhận những nỗ lực và góc nhìn độc đáo trong việc truyền tải thông điệp về môi trường qua nghệ thuật nhiếp ảnh.
Ảnh chiến thắng hạng mục Con người và thiên nhiên - Ảnh: Amy Jones
Ở hạng mục Con người và thiên nhiên, nhiếp ảnh gia Amy Jones giành chiến thắng với tác phẩm "Breeding Machine", mô tả chú hổ cái Indo-Chinese tên Salamas, từng bị nuôi nhốt suốt 20 năm trong một trang trại hổ ở Thái Lan để sinh sản phục vụ ngành du lịch và buôn lậu. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đau lòng khi nó áp đầu vào tường chuồng giam.
Giải Sinh viên bình chọn thuộc về nhiếp ảnh gia Bambang Wirawan với bức "Forest Guard", chụp lại khoảnh khắc một con hổ Sumatra hiện ra giữa khung xương đẫm máu của con mồi, một hình ảnh vừa hoang dã vừa u ám - Ảnh: Bambang Wirawan
Ảnh đạt giải ở hạng mục Kỳ quan vùng cực - Ảnh: Galice Hoarau
Ở hạng mục Kỳ quan vùng cực, chiến thắng thuộc về Galice Hoarau với bức ảnh sứa lion's mane bơi dưới tảng băng gần Greenland. Bức ảnh là một minh chứng tuyệt đẹp cho sự sống mong manh giữa băng giá đang tan chảy.
Hình ảnh hiếm có về hai bọ cánh cứng hươu đực giao tranh quyết liệt vì bạn tình, do Iacopo Nerozzi (Ý) ghi lại, giành chiến thắng ở hạng mục Vào rừng sâu - Ảnh: Iacopo Nerozzi
Nói về cuộc thi, bà Ami Vitale, nhiếp ảnh gia National Geographic và Chủ tịch hội đồng giám khảo, chia sẻ: "Hình ảnh có sức mạnh khơi gợi cảm xúc, đánh thức nhận thức và thúc đẩy hành động. Những bức ảnh này không chỉ cảnh báo về nguy cơ mà còn truyền cảm hứng về hy vọng, rằng chúng ta vẫn có thể thay đổi và bảo vệ thiên nhiên".
Giải thưởng công chúng năm nay được trao cho tác phẩm "After the Flames, Hope" của Fernando Faciole, ghi lại hình ảnh một con tapir Nam Mỹ đang hồi phục sau trận cháy rừng tại Brazil. Đây được coi là biểu tượng của hy vọng và sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên sau tàn phá - Ảnh: Fernando Faciole
Giải thưởng Nhiếp ảnh Môi trường của Quỹ Hoàng tử Albert II không chỉ là một sân chơi nghệ thuật, mà còn là tiếng gọi khẩn thiết từ thiên nhiên gửi đến nhân loại. Được tổ chức thường niên, giải thưởng là nơi những tay máy trên khắp thế giới kể lại câu chuyện của Trái đất bằng hình ảnh, những câu chuyện vừa đẹp đẽ, vừa đau lòng, vừa kỳ vĩ, vừa mong manh.
Mỗi khung hình là một lát cắt chân thực về thế giới đang dần đổi thay, là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng: nếu chúng ta không hành động hôm nay, ngày mai sẽ không còn để chờ đợi.