ARTICLE AD BOX
Thứ sáu, 18/4/2025, 14:28 (GMT+7)
Toby Carvery, chuỗi nhà hàng nướng nổi tiếng ở Anh, phải xin lỗi sau khi bị phát hiện đang chặt cây sồi hàng trăm tuổi mà không xin phép.
Nhân viên Hội đồng Enfield, cơ quan quản lý thị trấn thuộc Vùng đô thị Đại London, phát hiện cây sồi bị chặt hôm 3/4, với phần gốc vẫn còn nhưng các nhánh to khỏe bị cưa đứt, nằm ngổn ngang xung quanh. Theo tổ chức bảo tồn cây cối Woodland Trust, cây sồi cao 6,1 m, nằm trong top 100 trong số 600 cây sồi lớn nhất London. Cây nằm trong công viên Whitewebbs, quận Enfield, thuộc sở hữu của hội đồng Enfield, được nhà hàng Toby Carvery thuê lại.

Cây sồi 500 tuổi bị chặt ngọn ở công viên Whitewebbs, quận Enfield, ngày 16/4. Ảnh: CNN
"Tôi rất phẫn nộ khi bên thuê đất đã chặt cây sồi cổ thụ tuyệt đẹp này mà không xin phép hoặc xin lời khuyên từ Hội đồng Enfield", Ergin Erbil, lãnh đạo Hội đồng Enfield, ngày 16/4 bày tỏ. "Chúng tôi có bằng chứng cho thấy cây vẫn sống và bắt đầu đâm chồi nảy lộc khi họ chặt cây".
Ông tuyên bố hành động này "vi phạm điều khoản yêu cầu bên thuê là Toby Carvery phải bảo trì và bảo vệ cảnh quan hiện hữu".
"Cây này là cây lâu đời nhất tại khu vực và chặt cây là hành vi vi phạm điều khoản cho thuê. Cây là nơi sinh sống của vô số động vật hoang dã, nấm và các loài thụ phấn. Cây sồi là một phần di sản sinh thái và văn hóa của chúng tôi", ông nói thêm.
Theo hội đồng, khi các chuyên gia kiểm tra cây sồi vào tháng 12, cây được đánh giá là "khỏe mạnh" và "không gây nguy hiểm" cho bãi đậu xe lân cận và người sử dụng.
Woodland Trust cho biết lệnh bảo tồn cây khẩn cấp đã được thực thi đối với gốc cây. Dù bị chặt ngọn, lãnh đạo hội đồng Erbil cho biết cây sồi "cho thấy dấu hiệu sự sống rõ ràng", đồng thời cam kết "chúng tôi sẽ làm mọi cách để giúp cây mọc lại". Hội đồng Enfield đang cân nhắc khởi kiện bên thuê.
Mitchells & Butlers, công ty mẹ của Toby Carvery, cho hay chuỗi nhà hàng được nhà thầu xây dựng khuyến cáo nên chặt cây vì "có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng và an toàn". Chặt cây là hành động "bảo vệ nhân viên và khách hàng, cũng như người dân nói chung".
"Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo đáp ứng mọi quy định pháp lý", thông cáo của công ty có đoạn.
Phil Urban, giám đốc điều hành của chuỗi nhà hàng, sau đó xin lỗi vì "sự cố khiến mọi người tức giận và khó chịu".
"Chặt một cây cổ thụ tuyệt đẹp là chủ đề rất nhạy cảm, chúng tôi không hề xem nhẹ vấn đề này", Urban nói và cam kết xem xét lại quy trình quản lý.

Ergin Erbil, lãnh đạo hội đồng Enfield, trả lời báo chí trước cây sồi bị chặt ngày 16/4. Ảnh: CNN
Benny Hawksbee, cư dân sống tại Enfield, cho hay mọi người muốn được trả lời thỏa đáng. "Cây này thuộc về Enfield và di sản quốc gia. Tôi rất buồn", Hawksbee nói.
Jon Stokes, giám đốc khoa học và nghiên cứu về cây tại Tree Council, cho hay cây sồi cổ thụ có thể sống tới 1.000 năm. Sở cảnh sát London ngày 17/4 cho hay đã kết thúc điều tra vì nhận định hành động chặt cây thuộc về vấn đề dân sự.
Đây không phải lần đầu công chúng Anh phẫn nộ vì cây bị chặt. Năm ngoái, một cây sung nổi tiếng 300 tuổi ở miền bắc nước Anh từng xuất hiện trong bộ phim bom tấn năm 1991 Robin Hood: Prince Of Thieves (Robin Hood: Hoàng tử lục lâm), bị cưa đổ, chỉ còn trơ gốc cây. Chính quyền xác nhận đây là hành vi phá hoại ác ý. Năm 2021, một vụ chặt cây hàng loạt bí ẩn xảy ra ở miền nam nước Anh, với hàng chục cây bị chặt lúc nửa đêm.
Hồng Hạnh (Theo CNN)