Người Trung Quốc bức xúc với đòn thuế Mỹ

1 tuần trước kia 5
ARTICLE AD BOX

Thứ bảy, 12/4/2025, 09:52 (GMT+7)

Nhiều người Trung Quốc từ chối mua bán hàng hóa Mỹ, đề cao thông điệp yêu nước kể từ khi ông Trump tung đòn thuế chưa từng có vào nước này.

Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc tuần này tuyên bố sẽ ngừng bán sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, hoặc tính phí dịch vụ với khách hàng là người Mỹ tương đương thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ tính thêm 104% phí dịch vụ đối với khách hàng là công dân Mỹ kể từ hôm nay. Nếu thắc mắc, vui lòng hỏi đại sứ quán Mỹ", chủ một cửa hàng thịt bò nướng ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, dán thông báo dán ngoài cửa cuối tuần qua, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tăng thuế nhập khẩu lên 145% đối với hàng hóa Trung Quốc.

 Xinhua

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Những thông điệp tương tự được dán tại các nhà hàng, quán bar, cơ sở kinh doanh trên khắp Trung Quốc, kể từ khi cuộc chiến thuế với Mỹ tăng nhiệt. Trên mạng xã hội, người Trung Quốc thảo luận sôi nổi về những đòn đáp trả thuế giữa hai nước, phần lớn bày tỏ nỗi tức giận với các quyết định áp thuế của ông Trump, cũng như thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Trên trang Douyin, chủ một công ty sản xuất giày dép tuyên bố không hợp tác với đối tác Mỹ nữa.

"Tôi thà mất lô hàng này còn hơn là vận chuyển sang Mỹ. Tôi tin rằng đối với một doanh nghiệp, ngoài kiếm tiền, lòng yêu nước là yêu cầu cơ bản. Là một công dân Trung Quốc, tôi quyết định không đi bất kỳ đơn hàng xuất khẩu nào tới Mỹ nữa", chủ doanh nghiệp cam kết với hơn 810.000 người theo dõi tài khoản công ty.

Một số người bán điện thoại cũng đăng video trên Douyin, cho thấy họ đang đưa iPhone khỏi kệ hàng. "Thuế, thuế, ngày nào cũng tăng thuế. Tôi sẽ không bán điện thoại Mỹ nữa!", một chủ cửa hàng vừa nói vừa lấy iPhone từ quầy cất vào hộp.

Những video kiểu này nhận được hàng nghìn lượt thích, nhưng bị một số người dùng Douyin chế giễu. "Nhiều iPhone được sản xuất tại Trung Quốc. Có gì sai khi sử dụng điện thoại do Trung Quốc sản xuất?" một người đặt câu hỏi.

Wu Liying, chủ công ty bán tất trong chợ bán buôn Nghĩa Ô tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, ngày 10/4. Ảnh: AP

Wu Liying, chủ công ty bán tất trong chợ bán buôn Nghĩa Ô tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, ngày 10/4. Ảnh: AP

Phản ứng của các chủ doanh nghiệp đối với cuộc chiến thuế quan cũng thu hút nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong khi nhiều người dùng Weibo ca ngợi các thông điệp mà chủ doanh nghiệp đưa ra là "yêu nước", "ngầu" hoặc "kịp thời", có người cho rằng họ đang tận dụng cơ hội để thu hút chú ý.

"Đây chỉ là lời nói suông", một người viết. "Dù sao thì họ cũng không có khách hàng nào ở Mỹ cả".

"Nền kinh tế không mấy khả quan, chúng ta nên chào đón khách du lịch Mỹ đến Trung Quốc, như iShowspeed", một người khác nói, nhắc đến tài khoản YouTube của Darren Jason Watkins Jr. Anh giới thiệu tới khán giả Mỹ góc nhìn về xe điện do Trung Quốc sản xuất và những công nghệ tiên tiến khác khi livestream chuyến du lịch khắp Trung Quốc hồi tháng 3.

Hồng Hạnh (Theo SCMP)

Đọc toàn bộ bài viết