ARTICLE AD BOX
Việc một Hồng y đến từ Chicago trở thành tân Giáo hoàng khiến người Mỹ vỡ òa cảm xúc, các lãnh đạo đất nước nhanh chóng bày tỏ niềm vui.
Hồng y Robert Francis Prevost, 69 tuổi, ngày 8/5 trở thành Giáo hoàng Leo XIV, đánh dấu lần đầu tiên lịch sử Giáo hội có lãnh đạo là người Mỹ.
Thông báo từ Vương cung Thánh đường Thánh Peter đã tạo ra một cơn thủy triều cảm xúc tại Mỹ, khi cả người dân lẫn các lãnh đạo đất nước đều nhanh chóng bày tỏ niềm vui và tự hào.

Tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter tại Vatican ngày 8/5. Ảnh: Reuters
"Xin chúc mừng Hồng y Robert Francis Prevost, người vừa được bổ nhiệm trở thành Giáo hoàng. Thật vinh dự khi biết rằng ngài là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên. Thật phấn khích và đây thực sự là một vinh dự lớn cho đất nước chúng ta. Tôi mong được gặp Giáo hoàng Leo XIV. Đó sẽ là một khoảnh khắc rất ý nghĩa!", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, ngay sau khi tân Giáo hoàng được công bố.
Phó tổng thống JD Vance khẳng định "chắc chắn hàng triệu người Công giáo Mỹ và những người theo đạo Kito sẽ cầu nguyện để ngài có thể thành công trong việc lãnh đạo Giáo hội".
Ngoại trưởng Marco Rubio bày tỏ Washington "mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài với Tòa thánh thông qua Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên". Thị trưởng Chicago Brandon Johnson bày tỏ hy vọng sớm được đón Giáo hoàng trở về quê hương.
"Đến từ Chicago, Giáo hoàng Leo XIV sẽ mở ra một chương mới mà tôi cùng người dân trong bang đều vô cùng mong đợi, vào thời điểm chúng ta đang rất cần lòng trắc ẩn, tinh thần đoàn kết và hòa bình", Thống đốc bang Illinois JB Pritzker nói.
"Chúng ta đã nhận được điều mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến", linh mục Lawrence C. Tajah, giáo sĩ đại diện cộng đồng Công giáo Nigeria tại Hyattsville, Lawrence, cho hay. "Trước khi mật nghị có kết quả, người ta không suy đoán rằng sẽ có Giáo hoàng người Mỹ mà tập trung vào châu Á, châu Phi và Italy. Vì thế, đây là bất ngờ rất lớn nhưng cũng là bất ngờ rất tốt đẹp".
Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt tối 8/5. Video: AP
Tại Oakland, California, các giáo dân gốc Tây Ban Nha vỡ òa trong vui sướng khi có thêm một Giáo hoàng nói tiếng Tây Ban Nha, sau Giáo hoàng Francis người Argentina.
Giáo hoàng Leo XIV từng dành phần lớn thời gian sự nghiệp để truyền giáo ở Nam Mỹ. Ông là giám mục giáo phận Chiclayo, tây bắc Peru, giai đoạn 2015-2023. Ngoài quốc tịch Mỹ, ông cũng mang quốc tịch Peru sau khi nhập tịch năm 2015.
Tại Boston, một nhóm bạn chơi golf đã cá cược về kết quả của mật nghị Hồng y nhưng không ai đoán đúng. "Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện này sẽ xảy ra", Tom Keane, 71 tuổi, nói. "Chưa bao giờ trong cuộc đời mình".
Ở Washington, các chức sắc tại Vương cung Thánh đường Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, cũng "hoàn toàn bất ngờ" trước việc Hồng y Prevost được bầu. Họ dự định thay đổi toàn bộ kế hoạch trang trí của mình, người phát ngôn Jacquelyn Hayes cho biết.
Cách đó không xa, các sinh viên tại Đại học Công giáo Mỹ tụ tập lại với nhau để cùng suy ngẫm về những thay đổi mà Giáo hoàng Leo XIV có thể mang đến cho Giáo hội.
"Tôi hy vọng điều này sẽ khiến nhiều người Mỹ hướng về Giáo hội Công giáo hơn bởi tôi cảm nhận thấy đâu đó vẫn còn nhiều định kiến và có rất nhiều trường hợp Giáo hội bị nhìn nhận một cách tiêu cực", Castles nói. "Đây dường như sẽ là một bước tiến lớn giúp chúng ta đảm bảo rằng Giáo hội tiếp tục đi đúng hướng".
Một số người hy vọng tân Giáo hoàng sẽ mang đến cho Vatican tinh thần thẳng thắn, thực tế kiểu Mỹ. Những người khác cầu nguyện một Giáo hoàng đến từ Mỹ có thể giúp hàn gắn mối chia rẽ trong cộng đồng Công giáo nước này và thậm chí xoa dịu những căng thẳng giữa Mỹ với các đồng minh dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Đây là một phần trong câu chuyện mới của nước Mỹ", Alex Freeman, nhà tổ chức sự kiện 33 tuổi đến từ Atlanta, cho biết. Cô theo đạo Baptist nhưng thỉnh thoảng vẫn tham dự các buổi lễ Công giáo tại một nhà thờ dành cho người da màu có lịch sử lâu đời.
Những người theo chủ nghĩa tự do và những người Công giáo có xu hướng cánh tả bày tỏ hy vọng Giáo hoàng Leo XIV sẽ kế thừa các cam kết của cố Giáo hoàng Francis đối với người nghèo, người di cư và nạn nhân chiến tranh, đồng thời làm cho Giáo hội Công giáo trở thành nơi thân thiện hơn với người đồng tính.
Khi Maura Keller, tín đồ 30 tuổi đến từ Chicago, lắng nghe bài phát biểu của Giáo hoàng Leo XIV trước hàng nghìn tín hữu tập trung tại Vatican, cô đã ấn tượng bởi tuyên bố của Giáo hoàng rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người vô điều kiện và không giới hạn.
"Nếu Giáo hội tiếp tục đi theo hướng đó, nói rằng Chúa yêu thương tất cả chúng ta, những người bị gạt ra ngoài lề, người nghèo, người vô gia cư, những người trong cộng đồng LGBTQ, đây chính là một Giáo hội Công giáo mà tôi muốn thấy tiếp tục phát triển", cô nói.

Các linh mục vui mừng khi thấy khói trắng bốc ra từ ống khói trên Nhà nguyện Sistine tại Vatican ngày 8/5, báo hiệu Giáo hoàng mới đã được bầu. Ảnh: Reuters
Các giáo dân và giáo sĩ trên khắp đất nước cho biết họ đã bắt đầu nhắc tên Giáo hoàng Leo XIV trong những buổi thánh lễ và cầu nguyện của mình.
"Tôi cảm thấy sung sướng ngập tràn", Đức ông Andrew Baker, hiệu trưởng chủng viện tại Đại học Mount St. Mary's tại Maryland, nói.
Đặc biệt, người dân Chicago có lẽ là những người vui mừng nhất khi tân Giáo hoàng đến từ thành phố của họ.
Linh mục William Lego, cha xứ của Giáo xứ St. Turibius, cho hay ông quen biết Giáo hoàng Leo XIV từ khi họ còn là chủng sinh trẻ ở Michigan. "Tôi nghĩ bạn cùng lớp của tôi hoàn toàn xứng đáng", ông nói. "Họ đã chọn được một người tốt".
Nhà chiến lược chính trị đảng Dân chủ David Axelrod bày tỏ ngỡ ngàng. "Ôi trời!!", ông viết trên mạng xã hội. "Một Giáo hoàng người Mỹ! Từ Chicago!!".
Tại Học viện Đức Mẹ Núi Carmel ở Chicago, tiếng hô "Habemus papam!" (Chúng ta đã có Giáo hoàng) vang vọng khắp canteen. "Điều này thực sự giống như khi đội Cubs chiến thắng World Series năm 2016", Vincent Wall, học sinh tại học viện, đề cập đến thắng lợi của đội bóng chày Chicago Cubs trong giải vô địch thế giới năm 2016.
Allison Foerster, giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha và tôn giáo tại trường, biết tin tức về tân Giáo hoàng khi đang giám sát giờ ra chơi. Hồi đầu tuần, cô đã cho học sinh tham gia một cuộc bầu chọn giáo hoàng mô phỏng, với các em nhỏ đóng vai hồng y.
"Các em học sinh đã kết nối tin tức này với những gì học được hôm 6/5", Foerster nói. "Các em ngay lập tức nhận ra đây là giai đoạn nào của toàn bộ quá trình. Vì vậy, các em biết đó là một khoảnh khắc vui sướng, khoảnh khắc ăn mừng".
Cha Robert A. Dowd, hiệu trưởng Đại học Notre Dame, cho biết ông hy vọng triều đại mới của Giáo hoàng Leo XIV có thể mang đến "khoảnh khắc đoàn kết" cho Giáo hội Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc, khi các nhóm bảo thủ và cấp tiến có nhiều lập trường trái ngược nhau về các vấn đề nóng trong xã hội.
"Với tôi, rõ ràng là tân Giáo hoàng sẽ dốc hết sức để giúp mọi người tìm được tiếng nói chung", ông nói. "Khác biệt là điều tốt, nhưng chúng ta cũng có thể bị chia rẽ vì nó. Điều chúng ta muốn là đảm bảo khác biệt không tạo ra chia rẽ".
Tại thành phố New York, Rosario Gonzales, kế toán viên đã nghỉ hưu 72 tuổi và là người nhập cư Philippines, cho hay bà không quan tâm tới quốc tịch của Giáo hoàng bởi đơn giản đó là "người mà Chúa chọn".
Mặc dù theo dõi tin tức rất kỹ, bà thực sự không biết nhiều về tân Giáo hoàng và chỉ mới nghe tên ông lần đầu tiên khi thông tin được xướng lên ở Vatican. Tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên của bà rất tích cực. "Ông ấy có phong thái của một Giáo hoàng", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP, Reuters)