Nga - Trung phản đối hạn chế tự do thương mại đơn phương

7 nhiều giờ trước kia 4
ARTICLE AD BOX

Thứ sáu, 9/5/2025, 14:24 (GMT+7)

Lãnh đạo Nga và Trung Quốc ký tuyên bố chung về hợp tác và lập trường quốc tế, trong đó có phản đối các biện pháp hạn chế tự do thương mại đơn phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/5 ký tuyên bố chung nhân chuyến thăm 4 ngày của lãnh đạo Trung Quốc tới Nga và dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở Moskva.

Trong tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc cùng lên tiếng phản đối "các biện pháp hạn chế đơn phương và bất hợp pháp trong các lĩnh vực như thương mại và tài chính", đồng thời cam kết hợp tác để bảo vệ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề quốc tế.

Hai bên chỉ ra rằng "một số quốc gia nhất định và đồng minh của họ đã áp đặt các biện pháp này, làm tăng đáng kể thuế quan và sử dụng các biện pháp cạnh tranh phi thị trường, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/5 tại Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/5 tại Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Lãnh đạo Nga, Trung không nêu quốc gia cụ thể, nhưng cho rằng những hành động như vậy hủy hoại cạnh tranh công bằng, cản trở hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung của nhân loại, như an ninh lương thực, an ninh năng lượng và việc đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

Nga đang chịu nhiều áp lực trừng phạt từ phương Tây liên quan xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đang đối mặt căng thẳng thương mại với Mỹ sau những đòn áp thuế do Tổng thống Donald Trump công bố.

"Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác để kiên quyết ứng phó chính sách 'kiềm tỏa kép' mà Mỹ đang theo đuổi. Cả hai quyết liệt phản đối hành vi kích động các nước trên thế giới đổi lập trường sang hướng thù địch với Trung Quốc và Nga, hoặc bôi nhọ hợp tác Nga - Trung", tuyên bố chung có đoạn.

Hai nước cũng phản đối dấu hiệu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai lãnh đạo cho rằng các nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm thúc đẩy sự hiện diện của NATO trong khu vực này sẽ làm suy yếu hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.

"Cả hai lãnh đạo chỉ ra rằng Mỹ cùng đồng minh đang tìm cách mở rộng NATO về hướng đông, tiến vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra 'vành đai nhỏ' trong khu vực và lôi kéo các nước triển khai 'Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do họ dẫn dắt".

Moskva và Bắc Kinh cũng phản đối thiết lập liên minh quân sự chia sẻ hạt nhân mang tính chất đối đầu, hay triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân dưới danh nghĩa tăng cường "năng lực răn đe mở rộng". Hai nước không ủng hộ hành vi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở quy mô toàn cầu và các hệ thống tên lửa tầm trung trên bộ, lo ngại đe dọa ổn định chiến lược quốc tế.

Ngoài bày tỏ lo ngại chung về NATO và chạy đua vũ trang, tuyên bố chung của Trung Quốc và Nga còn nêu cam kết tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại, năng lượng, khoa học và công nghệ. Hai nước sẽ thúc đẩy mở rộng thương mại hai chiều với cơ cấu tối ưu hóa, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và phát triển các hình thức thương mại điện tử sáng tạo.

Hai bên cũng cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác đầu tư và củng cố quan hệ đối tác năng lượng toàn diện. Họ sẽ cùng khám phá tiềm năng trong hợp tác khoa học và công nghệ, tìm hướng đi mới trong các lĩnh vực bao gồm đổi mới và nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đồng thời khuyến khích các mô hình hợp tác mới.

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị lĩnh vực mới nổi này. Hai lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng về tôn trọng chủ quyền quốc gia, cũng như tuân thủ luật pháp của riêng mỗi quốc gia và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong quá trình quản trị AI.

Hai nước tái khẳng định cam kết thúc đẩy sự phát triển tốt, phổ quát và có lợi của AI, tin rằng học máy có lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của tất cả quốc gia và không nên trở thành công cụ địa chính trị để một số bên duy trì quyền bá chủ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo ngày 8/5 ở Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo ngày 8/5 ở Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Phát biểu tại họp báo sau hội đàm, Tổng thống Putin mô tả mối quan hệ Nga-Trung thể hiện quyết tâm "tự cường" của hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Moskva - Bắc Kinh tiếp tục tăng cường sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong thanh toán song phương.

Dù các tuyên bố chung không đề cập đến dự án đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2, ông Putin tiết lộ dự án "sẽ được triển khai vào năm 2027, bổ sung khoảng 10 tỷ m3 khí đốt xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc". Dự án đường ống Sức mạnh Siberia 1 đang vận hành ở công suất tối đa, cung cấp khoảng 31 tỷ m3 khí đốt Nga cho Trung Quốc.

"Cùng nhau, Trung Quốc và Nga đã viết nên trang sử huy hoàng của nhân loại, để lại di sản không bao giờ phai mờ của chủ nghĩa anh hùng", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ở họp báo, đề cập kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng của Nga, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ giữa nhân dân Nga và Trung Quốc "đã được trui rèn qua lửa chiến tranh và khắc ghi bằng máu".

Thanh Danh (Theo CGTN, TASS, Xinhua, Reuters)

Đọc toàn bộ bài viết