ARTICLE AD BOX
Thứ tư, 16/4/2025, 19:07 (GMT+7)
Điện Kremlin nói Nga sẵn sàng làm "mọi thứ" có thể để giúp tìm giải pháp cho cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc giữa Mỹ và Iran.
"Nga sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của mình để góp phần giải quyết tình hình bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16/4 trả lời câu hỏi về vai trò của Moskva trong đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran.
Ông Peskov không nói liệu Nga có đóng vai trò bảo lãnh cho bất kỳ thỏa thuận nào hay không. Ông chỉ nói Moskva tin tưởng vào vòng đàm phán thứ hai giữa Iran và Mỹ, dự kiến vào cuối tuần này tại Oman. Nga được coi là một trong những bên hậu thuẫn quan trọng của Iran.
Một nghị sĩ Iran trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Nga RIA Novosti trước đó nêu khả năng Nga và Trung Quốc là bên đảm bảo chung cho bất kỳ thỏa thuận tương lai nào với Mỹ về chương trình hạt nhân.
Nga đã nhiều lần kêu gọi Mỹ bình tĩnh sau khi Tổng thống Donald Trump tháng trước dường như cảnh báo sẽ giáng đòn vào Iran nếu Tehran không tham gia đàm phán về hạn chế chương trình hạt nhân.

Phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moskva, Nga tháng 12/2024. Ảnh: AFP
Ông Trump ngày 14/4 nói phóng viên tại Phòng Bầu dục rằng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân và Mỹ sẽ cân nhắc "một biện pháp rất quyết liệt" nếu cần thiết. Một ngày sau, Steve Witkoff, đặc phái viên về Trung Đông của ông Trump, nói Iran phải dừng hoàn toàn chương trình làm giàu uranium trong bất kỳ thỏa thuận hạt nhân tiềm năng nào.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi ngày 16/4 phản hồi bình luận của Witkoff, khẳng định "không thể thương lượng" về vấn đề làm giàu uranium.
"Chúng tôi sẵn sàng xây dựng lòng tin liên quan tới những lo ngại về hoạt động làm giàu uranium của Iran, nhưng nguyên tắc làm giàu uranium là không thể thương lượng", ông nói.
Phái đoàn Mỹ và Iran tuần trước đàm phán tại Oman liên quan tới chương trình hạt nhân. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên của quan chức Mỹ với Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, cũng là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ năm 2018.
Iran và các cường quốc năm 2015 ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, ông Trump trong nhiệm kỳ đầu đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2018. Đáp lại, Tehran sau đó dần từ bỏ tuân thủ nhiều cam kết về kiểm soát hạt nhân và tăng cường làm giàu uranium.
Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters)