ARTICLE AD BOX
J-10CE là một trong những tiêm kích xuất khẩu hiện đại nhất của Trung Quốc, đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực hiện đại hóa không quân Pakistan.
Quan chức không quân Pakistan hôm 9/5 tổ chức họp báo, xác nhận nước này đã triển khai tiêm kích J-10CE, JF-17 và F-16 cùng tên lửa đối không PL-15E trong trận giao chiến với máy bay Ấn Độ trước đó hai ngày. Trong phiên họp quốc hội Pakistan trước đó, Ngoại trưởng Ishaq Dar cũng khẳng định các tiêm kích J-10CE đã bắn rơi "3 chiếc Rafale và các phi cơ khác của Ấn Độ".
Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên nói rằng tiêm kích J-10CE Pakistan đã khai hỏa và hạ ít nhất hai máy bay Ấn Độ, trong đó có một tiêm kích Rafale. "Những chiếc F-16 không liên quan đến vụ bắn rơi", các quan chức Mỹ cho hay, ám chỉ phi đội F-16 chỉ làm nhiệm vụ phòng thủ trong vùng trời Pakistan và không khai hỏa về phía lực lượng Ấn Độ.

Tiêm kích J-10CE Pakistan trong một chuyến làm nhiệm vụ. Ảnh: BQP Pakistan
Pakistan hồi năm 2020 đặt mua 36 tiêm kích J-10CE, phiên bản xuất khẩu của dòng J-10C, cùng 240 tên lửa không đối không. Lô đầu tiên gồm 6 chiếc được bàn giao năm 2022 và không quân Pakistan đang biên chế khoảng 20 tiêm kích J-10CE.
Giới quan sát nhận định J-10CE là trung tâm trong nỗ lực hiện đại hóa không quân của Pakistan. Nước này cũng là quốc gia duy nhất vận hành dòng J-10C ngoài Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu phát triển tiêm kích J-10 từ năm 1988 để đối trọng với chiến đấu cơ MiG-29 Liên Xô. Dự án được giao cho Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô (AVIC), sử dụng công nghệ tên lửa và radar hiện đại, nhằm thay thế cho tiêm kích J-7 và cường kích Q-5.
Năm 1992, Trung Quốc và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao, tăng cường hợp tác quốc phòng. Hai năm sau, giới chức Mỹ ngỡ ngàng phát hiện các tập đoàn quốc phòng Israel đã cung cấp cho Trung Quốc thiết kế khung thân và khí động học của Lavi, tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4 mà Washington và Tel Aviv đã hợp tác chế tạo từ thập niên 1980, dựa trên nền tảng tiêm kích F-16.
Mỹ trước đó rút khỏi dự án Lavi do chi phí quá đắt đỏ. Nhờ thông tin được Israel chuyển giao, Trung Quốc đã sao chép, phát triển thành công tiêm kích J-10 với ngoại hình tương tự dòng Lavi, cùng nhiều tính năng tương đồng với mẫu F-16.
Tiêm kích J-10 được trang bị tổng cộng 11 giá treo vũ khí dưới bụng và cánh, với tổng tải trọng tối đa khoảng 5,6 tấn. Nó có thể sử dụng nhiều loại tên lửa đối không và chống hạm, bom thông thường, bom dẫn đường và rocket, cùng một pháo Gryazev-Shipunov GSh-23 cỡ nòng 23 mm.
Phiên bản xuất khẩu J-10CE của Pakistan có thể sử dụng tên lửa đối không tầm xa PL-15E với tầm bắn tới 145 km và PL-10E tầm bắn 20 km. Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định dòng PL-10E có năng lực tương đương mẫu ASRAAM và IRIS-T do châu Âu phát triển, đồng thời vượt trội dòng AIM-9X hiện đại nhất của Mỹ về một số mặt.

Biên đội J-10CE Pakistan bay biểu diễn trong cuộc duyệt binh ở Islamabad hồi tháng 3. Ảnh: AFP
Phi cơ có thể mang cụm thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng laser và hồng ngoại để phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí đối đất. Phiên bản J-10A nguyên bản sử dụng radar hỏa lực Type 1473H, được coi là dòng radar xung Doppler thành công đầu tiên của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Dự án J-10 được coi là bước nhảy vọt về công nghệ hàng không quân sự của Trung Quốc vào thời điểm ra mắt, nhưng nước này lúc đó chưa thể tự chế tạo động cơ phản lực tiên tiến. Do đó, AVIC đã trang bị động cơ Saturn AL-31FN do Nga sản xuất cho dòng J-10A.
Phiên bản J-10A được đưa vào biên chế không quân Trung Quốc năm 2004. Nước này bắt đầu phát triển dòng J-10B và thực hiện chuyến bay thử đầu tiên sau đó 4 năm. Phiên bản này dùng động cơ AL-31FN Series 3 của Nga, do động cơ WS-10 nội địa Trung Quốc chưa đạt yêu cầu kỹ thuật.
J-10C là biến thể hiện đại nhất, được đưa vào biên chế không quân Trung Quốc năm 2018, trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) hiện đại và nhiều hệ thống điện tử tiên tiến. Bắc Kinh hồi năm 2021 lần đầu công bố ảnh tiêm kích J-10C sử dụng động cơ WS-10B nội địa, thay vì dòng AL-31FN.
Phiên bản J-10C có tốc độ tối đa khoảng 2.200 km và bán kính chiến đấu 550 km. Một số chuyên gia phương Tây coi đây là tiêm kích thế hệ 4,5, tương đương các biến thể mới nhất của dòng F-16 và Rafale.

Tiêm kích J-10C Trung Quốc mang tên lửa PL-10 và PL-15 trong bức ảnh đăng năm 2023. Ảnh: War Zone
Giới blogger quân sự Trung Quốc nhận định không quân Pakistan đã sử dụng biện pháp tác chiến điện tử để vô hiệu hóa máy bay Rafale Ấn Độ, sau đó các biên đội J-10CE mới khai hỏa tên lửa PL-15E để hạ mục tiêu.
Phương thức này dường như đã được áp dụng hôm 4/5, khi Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif tuyên bố 4 tiêm kích Rafale Ấn Độ đã bị gây nhiễu khi làm nhiệm vụ gần biên giới hai nước, trước khi biên đội J-10CE được triển khai để đối phó.
Hu Shisheng, phó tổng thư ký Ủy ban Học thuật của Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc, cho rằng trận không chiến có thể sẽ gây tác động lớn tới kế hoạch cải tổ quân đội của Ấn Độ. "New Delhi có thể phải cân nhắc mua thêm các dòng tiêm kích hiện đại của Mỹ như F-35 và đẩy mạnh đầu tư phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6", ông nói.
Sau vài ngày giao tranh, Pakistan và Ấn Độ hôm 10/5 thông báo đã đạt thỏa thuận ngừng bắn "toàn diện và ngay lập tức" dưới sự trung gian của Mỹ. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á, chấm dứt những cuộc đối đầu khốc liệt giữa lực lượng quân sự hai bên.
Phạm Giang (Theo National Interest, Eurasian Times, CNN)