ARTICLE AD BOX
Lực lượng Houthi sở hữu nhiều hệ thống phòng không uy lực, giúp họ uy hiếp máy bay đối phương và buộc Mỹ huy động nhiều khí tài đối phó.
Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen hôm 22/4 tuyên bố hạ máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9 Reaper có giá 30 triệu USD của Mỹ trên vùng trời tỉnh Al-Hajjah, đánh dấu chiếc thứ 22 bị bắn rơi kể từ tháng 10/2023, thời điểm lực lượng này phát động chiến dịch tập kích trên Biển Đỏ nhằm thể hiện ủng hộ với người Palestine ở Dải Gaza.
Hãng tin Fox News dẫn lời giới chức Mỹ xác nhận UAV Reaper của nước này đã bị lực lượng Houthi bắn hạ, thêm rằng họ đã mất tổng cộng 7 phi cơ chỉ trong gần hai tháng qua.
UAV Reaper của Mỹ bị Houthi bắn rơi trong video công bố hôm 18/4. Video: Al Masirah
Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, hồi đầu tuần công bố hình ảnh tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler mang theo 4 tên lửa diệt radar dòng AGM-88, gấp đôi cấu hình vũ khí thông thường, khi làm nhiệm vụ ngoài khơi Yemen.
Không quân Mỹ tháng trước điều động 6 oanh tạc cơ tàng hình B-2, tương đương gần 50% phi đội sẵn sàng chiến đấu của nước này, đến tiền đồn Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để tham gia chiến dịch không kích Houthi.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định các động thái cho thấy lực lượng phòng không Houthi vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với máy bay Mỹ, ngay cả khi Washington đã tiến hành hàng loạt chiến dịch không kích dữ dội nhằm vào cơ sở hạ tầng và khí tài của nhóm vũ trang Yemen.
Houthi thường tuyên bố sử dụng tên lửa nội địa để bắn hạ UAV Mỹ. "Chắc chắn họ được Iran giúp sức, nhưng không thể phủ nhận thực tế là lực lượng này có khả năng tự phát triển, chế tạo và lắp ráp nhiều loại tên lửa ngay trên lãnh thổ Yemen", cây bút Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Một trong các mẫu tên lửa phòng không hiện đại nhất mà Houthi tự phát triển là Barq-1 và Barq-2, với tầm bắn lần lượt là 50 và 70 km, được ra mắt trong cuộc duyệt binh hồi năm 2023.

Tên lửa phòng không dòng Barq tại cuộc diễu binh năm 2023. Ảnh: AFP
Giới quan sát nhận định chúng được chế tạo trên cơ sở tên lửa phòng không tầm trung Taer của Iran, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ đạn của các tổ hợp phòng không 2K12 Kub và 9K37 Buk thời Liên Xô.
Chưa rõ lực lượng Houthi khai hỏa và dẫn bắn cho Barq-1/2 như thế nào. Tên lửa Taer thường triển khai trên nhiều xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) khung gầm bánh lốp, một số còn được tích hợp radar điều khiển hỏa lực (TELAR) như dòng Buk.
Giới chức Mỹ xác nhận Houthi thường xuyên sử dụng tên lửa 358, hay còn gọi là Saqr-1, do Iran phát triển. Loại vũ khí này được mô tả là đạn tuần kích, có khả năng quần thảo trong khu vực nhất định để săn tìm mục tiêu.
"Tên lửa 358 thường bay theo quỹ đạo hình số 8 khi tìm kiếm mục tiêu. Chúng tôi tin rằng cụm 12 cảm biến hồng ngoại xếp thành vòng tròn quanh quả đạn đủ khả năng vô hiệu hóa các loại mồi bẫy nhiệt trang bị cho trực thăng của liên quân", một quan chức Mỹ nói hồi năm 2020.
Trevithick nhận định một số cảm biến hồng ngoại được kết nối với đầu dò chính ở mũi tên lửa, số khác là bộ phát laser cho ngòi nổ cận đích tương tự nhiều tên lửa đối không truyền thống.

Giới chức Iran giới thiệu tên lửa 358 cho phái đoàn Nga tại triển lãm ở Tehran năm 2023. Ảnh: BQP Nga
Tên lửa 358 dùng động cơ tua-bin phản lực, giúp kéo dài đáng kể thời gian hoạt động so với động cơ nhiên liệu rắn của đạn phòng không thông thường, đổi lại tốc độ và khả năng tăng tốc của quả đạn sẽ thấp hơn. Điều này khiến nó khó đối phó tiêm kích và tên lửa, nhưng lại phù hợp để bắn hạ trực thăng hay UAV.
"Nó được phóng vào khu vực mà trực thăng và UAV đối phương dự kiến bay qua, sau đó sục sạo và tiêu diệt mục tiêu mà không cần hỗ trợ từ bên ngoài. Điều này đặc biệt hữu ích khi đối phó UAV, vốn khó bị hệ thống phòng không truyền thống phát hiện và đánh chặn", Trevithick nhận xét.
Nhóm vũ trang tại Yemen cũng cải tiến tên lửa không đối không R-77, R-27T và R-73, vốn dùng cho tiêm kích, thành vũ khí phòng không lợi hại.
Houthi chiếm được số tên lửa này từ kho vũ khí của không quân Yemen khi nổ ra cuộc chính biến hồi năm 2015. Vào thời điểm đó, Yemen đang vận hành tiêm kích MiG-29 với vũ khí chủ lực là tên lửa đối không tầm trung R-77, R-27 và tầm ngắn R-73. Quả đạn R-77 và R-27 có tầm bắn 70-80 km khi phóng từ trên không, trong khi R-73 đủ sức diệt mục tiêu từ khoảng cách 30 km.
Tên lửa R-27T và R-73 được trang bị đầu dò hồng ngoại, giúp bám bắt mục tiêu mà không cần radar dẫn đường. Chúng cũng không đánh động mục tiêu trong quá trình tiếp cận, nhưng có thể bị đánh lừa bởi mồi bẫy nhiệt trên phi cơ.
Các quả đạn này thường được lắp lên bệ phóng trên xe tải, cho phép tăng khả năng cơ động. Đầu dò tên lửa sử dụng nguồn điện từ máy phát riêng, bởi pin tích hợp trong quả đạn chỉ hoạt động được vài phút từ khi kích hoạt, không phù hợp với nhiệm vụ trực ban tác chiến kéo dài của tên lửa phòng không.
Trong khi đó, tên lửa R-77 trang bị đầu dò radar chủ động và dễ đánh động đối phương từ trước khi rời bệ phóng, khiến nó ít có đất dụng võ hơn dòng R-27T và R-73. Hiện không rõ Houthi đã triển khai dòng R-77 trong nhiệm vụ chiến đấu thực tế hay chưa.

Các tên lửa dòng R-73, R-27T và R-77 của Houthi trong ảnh đăng năm 2024. Ảnh: X/Global Defense Insight
Ngoài những dự án nội địa, Houthi cũng sở hữu các biến thể của tên lửa phòng không tầm trung Sayyad do Iran phát triển và chuyển giao, gồm mẫu Sayyad-1 và Sayyad-2C.
Sayyad-1 được Iran nghiên cứu chế tạo sau khi đặt mua hệ thống HQ-2, vốn là bản sao dòng S-75 Liên Xô do Trung Quốc sản xuất. Tên lửa dùng thiết kế khung thân và động cơ của mẫu HQ-2, nhưng trang bị đầu dò cùng thiết bị điều khiển dựa trên tổ hợp MIM-23 Hawk và RIM-66 được Iran mua từ Mỹ trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Tên lửa Syyad-1 có thể đạt tốc độ khoảng 3.600 km/h, tầm bắn 50 km và mang đầu nổ mảnh nặng 200 kg.
Lực lượng Houthi dường như cũng có biến thể Sayyad-2C hiện đại hơn nhiều. Iran không công khai nhiều thông tin về loại tên lửa này, nhưng nó sử dụng cụm bệ phóng kiêm ống bảo quản hình vuông, mỗi cụm mang được 4 quả đạn tương tự hệ thống Patriot của Mỹ.
Tên lửa Sayyad-2C có tầm bắn khoảng 75 km, ngắn nhất trong các phiên bản được Iran sản xuất. Nó đạt tốc độ tối đa trên 5.500 km/h, trang bị hệ thống chống gây nhiễu và mang đầu nổ mảnh nặng 200 kg. Tehran cho biết Sayyad-2C có thể diệt các mục tiêu với độ phản xạ radar rất thấp như UAV ở độ cao tới 24 km.
"Lực lượng Houthi đã chứng minh rằng họ có đủ năng lực phòng không để trở thành mối đe dọa thật sự với chiến đấu cơ Mỹ. Điều này có thể sẽ buộc Washington tăng cường sử dụng vũ khí tầm xa và tính toán kỹ hơn về rủi ro trong các chiến dịch đối phó nhóm vũ trang Yemen", Trevithick nhận định.
Phạm Giang (Theo War Zone)