ARTICLE AD BOX
Từ các gia đình trẻ đến người hưu trí, số công dân New Zealand ra nước ngoài ngày càng tăng, chủ yếu do điều kiện kinh tế giảm sút.
Dù tự hào là dân chính gốc ở Dunedin, Đảo Nam, New Zealand, Harriet Baker, 33 tuổi, quyết định sẽ không nuôi dạy con cái tại nơi cô đã lớn lên. Cô vừa bán căn nhà ở thành phố phía đông nam đảo để cùng chồng con và chó cưng chuyển đến Australia.
"Hồi mua nhà ở Dunedin, tôi nói với chồng: 'Chắc phải bỏ em vào quan tài mới có thể khiến em rời khỏi chỗ này", Baker, từng làm viên chức tại New Zealand, kể. "Nhưng chi phí sinh hoạt cứ tăng mãi, khiến chúng tôi làm việc cật lực mà không để dành được đồng nào. Cảm giác chúng tôi dậm chân tại chỗ".
Gia đình Baker chuyển đến Australia tuần trước và đang chờ đồ đạc gửi từ New Zealand sang. Chồng Baker dự định làm thợ máy khai mỏ, còn cô sẽ ở nhà chăm sóc gia đình.
Trước đây, Baker luôn muốn các con được nuôi dạy theo văn hóa New Zealand, sống gần ông bà ngoại. "Thật điên rồ khi phải rời xa họ. Nhưng mức thu nhập ở Australia đã thay đổi quan điểm của chúng tôi", cô nói.
Nhà Baker là một phần trong làn sóng những người rời New Zealand để thoát khỏi điều kiện kinh tế yếu kém. Giới chuyên gia nhân khẩu học đang tỏ ra đặc biệt lo lắng, vì làn sóng này bao trùm mọi lứa tuổi ở New Zealand.
Từ tháng 3/2024 đến tháng 2 năm nay, New Zealand ghi nhận kỷ lục 69.100 người rời đi và có dự định sống ở nước ngoài ít nhất một năm, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt mức đỉnh được ghi nhận hồi năm 2012.

Gia đình Baker chuẩn bị rời đi, chuyển đến Australia. Ảnh: Guardian
"Không hiểu sao chúng tôi không nói nhiều hơn về vấn đề này. Tỷ lệ sinh ở New Zealand đang giảm mạnh, dân số già hóa nhanh chóng. Trong thời kỳ hậu Covid-19, chúng tôi còn ghi nhận số lượng người di cư tăng liên tục", Paul Spoonley, chuyên gia xã hội học hàng đầu New Zealand tại Đại học Massey, nói.
"Một số khu vực đang dần trở nên vắng vẻ, sẽ rơi vào trì trệ hoặc suy thoái. Câu hỏi đặt ra là liệu người rời khỏi đất nước có quay trở lại hay không", ông cảnh báo.
Về tổng thể, số người nhập cư vào New Zealand vẫn nhiều hơn số người rời đi, song năm 2024 là mức giảm ròng dân số lớn nhất của New Zealand so với bất kỳ năm dương lịch nào được ghi nhận. Khoảng 56% người rời đi chọn đến Australia, nơi có thu nhập trung bình cao hơn 26%.
Với nhóm tuổi 20-29, trải nghiệm sống ở Australia theo kiểu du lịch bụi được xem là "nghi lễ trưởng thành". Họ vẫn là nhóm lớn nhất rời New Zealand, nhưng hiện không đơn độc, mà theo sau là nhóm 30-39 tuổi cùng con cái họ, và cả số lượng người hưu trí chưa từng thấy.
"Điều đáng nói là 'trục kết nối' của mỗi gia đình nằm ở đâu. Khi cha mẹ, con cái, cháu chắt sống ở nơi khác, trục kết nối của gia đình cũng dịch chuyển theo", chuyên gia Spoonley nói.

Con trai hai tuổi của Baker kéo vali khi gia đình chuẩn bị chuyển đến Australia. Ảnh: Guardian
Giới chuyên gia cũng lo ngại về tác động của làn sóng này đến lực lượng lao động New Zealand, một phần do chính phủ siết các quy định nhập cư vào năm ngoái, khiến nước này thu hút ít người nhập cư đến bằng visa lao động hơn.
"Nhóm lao động trong giai đoạn thăng tiến, vốn đảm nhận phần lớn công việc, đang suy giảm", Shamubeel Eaqub, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư Simplicity, cảnh báo.
Theo giới quan sát, những lý do khiến người dân nước này rời đi là tình trạng sinh hoạt phí leo thang kèm lương thấp, điều kiện làm việc không đáp ứng kỳ vọng và khó tìm việc làm.
"Tôi bắt đầu công việc ở Te Kuiti với mức lương 48.000 NZD và chưa từng được tăng lương. Khối lượng công việc lớn còn làm tôi căng thẳng. Tôi kiệt sức và nghĩ mình không muốn sống thế này nữa", Waikauri Hirini, 27 tuổi, từng làm nhân viên xã hội tại thị trấn Te Kuiti ở trung tâm Đảo Bắc, kể.
Hirini sau đó quyết định chuyển đến Perth ở Australia để làm nhân viên ngân hàng, đoàn tụ với ba thế hệ gia đình sống ở đó.
Nhiều người không muốn rời đi, nhưng cảm thấy không còn lựa chọn nào khác sau thời gian chật vật xoay xở với cuộc sống. Những trường hợp này xuất hiện ở các thị trấn nhỏ trên khắp quốc đảo.
Dân số tại Ohakune, thị trấn trượt tuyết ở Đảo Bắc, đã giảm gần 1/3 kể từ năm 1996. Hàng quán đóng cửa, treo biển sang nhượng khắp nơi, dù bộ tộc Ngati Rangi đang nỗ lực thuyết phục người dân ở lại.
"Tình trạng này diễn ra dần dần ở từng thị trấn, từng khu vực", Tahu Kukutai, chuyên gia về nhân khẩu học, cho biết.

Đường phố Ohakune, New Zealand. Ảnh: Visit Ruapehu
Đảng Quốc gia cầm quyền ở New Zealand tuyên bố sẽ cắt giảm chi tiêu khoảng một tỷ NZD để giảm nợ công. Một số nhà kinh tế cho rằng điều này có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế, trong khi lãnh đạo Công đảng Chris Hipkins chỉ trích kế hoạch cắt giảm chi tiêu, cho rằng nó sẽ khiến người trẻ New Zealand tiếp tục chuyển ra nước ngoài. Hàng chục nghìn vị trí viên chức đã bị cắt giảm ở New Zealand kể từ năm 2023.
Bộ trưởng Tài chính New Zealand Nicola Willis bác bỏ chỉ trích này, cho hay chính phủ về tổng thể vẫn tăng chi tiêu, chỉ tiết kiệm ngân sách bằng cách cắt bỏ các dịch vụ không cần thiết. Bà cho hay "muốn thấy nhiều người New Zealand chọn ở lại". Theo bà, việc người trẻ rời khỏi New Zealand là một thách thức, nhưng điều này có thể được giải quyết bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
"Tôi rất quan ngại nếu người New Zealand không tin rằng họ có cơ hội tốt ở trong nước. Tôi muốn mọi người coi đây là nơi có nhiều cơ hội về kinh tế và xã hội", bà Willis nói.
Nhưng những người đã rời đi cho hay họ không nhận thấy động lực để trở về. "Chúng tôi giờ sống ổn định ở Australia. Tôi từng rất buồn vì không thể đưa con về học tiếng, tiếp xúc với văn hóa Maori nên đã nghĩ đến việc quay trở lại. Nhưng quay lại thì làm gì?", Hirini đặt câu hỏi.
Nhiều người hài lòng với cuộc sống ở Australia và những nơi khác sau khi rời New Zealand.
"Họ sẵn sàng trả nhiều tiền cho những lao động chất lượng", Daniel Reed, 38 tuổi, nói. Anh cùng vợ và ba con nhỏ chuyển từ một thị trấn nhỏ ở Đảo Bắc đến Townsville, Australia vào năm ngoái.
"Chúng tôi dành dụm được 1.000 USD mỗi hai tuần. Cuộc sống thoải mái, không phải chắt bóp hay lo lắng về hóa đơn siêu thị", Reed cho biết, thêm rằng các con thích cuộc sống và trường lớp mới ở Australia. "Chúng vẫn luôn là người New Zealand, nhưng giờ còn thuộc cả quốc ca Australia. Tôi không chắc liệu chúng còn nhớ quốc ca quê hương không".
Đức Trung (Theo Guardian, Australian)