Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung trong một hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cho người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Q.DUY
Những cô gái trẻ chia sẻ tâm huyết của mình trước nhịp sống số ra sao?
* Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung (ủy viên ban thường vụ Đoàn Đại học Y dược TP.HCM, bí thư Đoàn thanh niên khoa y tế công cộng):
Đổi mới sáng tạo
Tôi hiện công tác trong lĩnh vực quản lý giáo dục và đào tạo sinh viên tại khoa y tế công cộng bên cạnh các hoạt động Đoàn Hội.
Một may mắn của tôi là được gắn bó với Đoàn từ sớm, theo đó có cơ hội hòa mình vào những chương trình tình nguyện ý nghĩa trải dài khắp các tỉnh thành, được học nhiều và trưởng thành hẳn về vốn sống lẫn chuyên môn.
Hiện nay tôi và các cộng sự đang phát triển một dự án truyền thông số hướng tới việc truyền tải kiến thức y tế công cộng đến người dân bằng hình thức dễ tiếp cận. Dự án tận dụng nền tảng công nghệ và sức sáng tạo của sinh viên trẻ.
Tôi xác định rõ là người tham gia quản lý giáo dục và hoạt động Đoàn Hội nếu không có tư duy đổi mới, chưa thấm nhuần tinh thần khởi nghiệp sẽ nhanh chóng tụt hậu. Vì vậy tôi học cách ứng dụng AI trong các công việc hằng ngày từ phân tích dữ liệu sinh viên, tổ chức hoạt động bằng nền tảng số, thiết kế nội dung truyền thông... cho đến tự tìm cách xây dựng công cụ số hóa quản lý sinh viên, kế hoạch đào tạo.
Song song đó, tôi luôn tự nhắc mình phải giữ vững khả năng kết nối con người, dẫn dắt đội ngũ và truyền cảm hứng, những điều mà AI chưa thể thay thế.
Tôi cho rằng nghị quyết 68 không chỉ là bước tiến về mặt chính sách mà còn mang ý nghĩa truyền cảm hứng. Với những người trẻ đang công tác trong môi trường công lập như tôi, nó khơi gợi một tư duy mới: tư duy đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận công việc dù không trực tiếp làm kinh doanh.
* Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh (giảng viên khoa văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM):
Chuẩn bị cho mình kỹ năng "sống sót"
Tôi đã chuẩn bị cho mình những kỹ năng sau để "sống sót" và phát triển trong thời đại AI:
Không ngừng tự học và áp dụng AI. Tôi sử dụng các công cụ như ChatGPT, Copilot, Notion AI... trong công việc hằng ngày và coi chúng như một "trợ lý thông minh".
Nâng cao tư duy phân tích và học hỏi chủ động. Tôi chủ động học thêm các khóa về tư duy dữ liệu, tư duy phản biện, kỹ năng ra quyết định dựa trên dữ liệu... vì tin đó là những kỹ năng con người vẫn vượt trội hơn AI.
Kết hợp chuyên môn với AI. Tuy tôi sống trong thơ văn nhưng vẫn luôn tự hỏi: "Công việc của mình có thể được AI hỗ trợ hiệu quả như thế nào?".
Sau đó, tôi dùng AI tự động hóa những đầu việc lặp đi lặp lại và dành thời gian tập trung vào phần công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo, tương tác con người hoặc mang tính chiến lược.
Trau dồi những kỹ năng mềm không thể thay thế bởi AI. Với tôi đó chính là kỹ năng giao tiếp, hợp tác, thuyết trình và năng lực thích nghi nhanh.
Bên cạnh công việc chính, tôi cũng thường dành thời gian đi chia sẻ, giao lưu cùng giới trẻ ở nhiều tỉnh thành. Tôi cũng ra mắt quyển sách Trà sữa cùng gen Z vào năm 2024 để gửi gắm những tâm sự, trải nghiệm, bài học rút ra được của người đi trước dành cho các bạn trẻ. Hầu hết các hoạt động trên đều khiến tôi vui, hạnh phúc khi được không ngừng tạo giá trị cho cộng đồng, hoàn thiện chính mình.
Dẫu vậy, tôi thừa nhận bản thân sẽ có lúc bị cạn kiệt năng lượng thật sự. Những lúc đó, tôi dành thời gian ngồi viết ra những lý do khiến mình quá tải, kiệt sức, "trò chuyện" với chính mình để tìm ra gốc rễ vấn đề chứ không đơn thuần xử lý triệu chứng.
* Bác sĩ Nguyễn Thị Linh Thùy (đồng sáng lập hai phòng khám da liễu tại TP.HCM):
Kết hợp lan tỏa giá trị bền vững
Bên cạnh công việc chuyên môn tại phòng khám chính, tôi luôn cố gắng kết hợp song song các hoạt động khởi nghiệp, cộng đồng để lan tỏa giá trị bền vững hơn.
Chẳng hạn hiện tôi thực hiện một mô hình chăm sóc da chuyên sâu dành cho các bạn trẻ đang gặp vấn đề về da, đặc biệt là mụn, sẹo mụn với các phương pháp chuẩn y khoa và công nghệ hiện đại.
Dự án không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ, mà còn tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng như chuỗi talkshow chia sẻ kiến thức, trải nghiệm miễn phí từ các bác sĩ có chuyên môn cao để các bạn trẻ được tiếp cận những kiến thức chăm sóc da đúng cách.
Tôi cho rằng người làm nghề y không chỉ ngồi chữa bệnh thụ động hay khởi nghiệp cho chính mình, mà còn có trách nhiệm chủ động trao đi tri thức, góp phần thay đổi tư duy cộng đồng và khơi dậy tình yêu bản thân để mỗi người đều có thể sống khỏe mạnh, tự tin và hạnh phúc hơn.
Tôi cùng đội ngũ hiện tích cực ứng dụng AI vào các hoạt động như quản lý thời gian, lên kế hoạch chăm sóc cá nhân hóa khách hàng, phân tích dữ liệu bệnh nhân... Nhờ vậy, chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho những giá trị cốt lõi mà AI chưa thể thay thế: sự thấu cảm, tư duy sáng tạo và chiến lược dài hạn.
Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, tính cạnh tranh ngày càng dâng cao đi cùng áp lực cân đối công việc, thời gian dành cho gia đình nhỏ... khiến tôi - cũng như nhiều người phụ nữ khác - lắm lúc phải đối mặt với sự cạn kiệt năng lượng. Điều quan trọng nhất lúc này là tôi không để bản thân quên mất lý do mình bắt đầu.
Khi nhớ lại điều đó, tôi thường sẽ "quay về guồng" với tâm thế mới, vững vàng hơn để tiếp tục phát triển công việc mình đang theo đuổi. Tôi cũng duy trì thói quen chơi thể thao để cân bằng năng lượng, giúp tinh thần được sảng khoái, tích cực.