ARTICLE AD BOX
Sức ép từ Israel cùng với việc bị cắt các nguồn viện trợ đang khiến Hamas đối mặt khó khăn tài chính đến mức không còn tiền để trả cho các tay súng.
Hamas đang phải chịu áp lực tài chính chưa từng có. Theo quan chức tình báo Arab và phương Tây, Hamas đã ngừng trả lương cho các nhân viên chính quyền dân sự Gaza, trong khi nhiều chiến binh cấp cao và nhân viên chính trị của Hamas chỉ mới nhận được khoảng một nửa lương vào giữa tháng Ramadan vừa qua. Mức lương trung bình của các tay súng Hamas cấp thấp rơi vào khoảng 200-300 USD mỗi tháng.
Tình trạng thiếu tiền mặt đang gây ra khó khăn cho toàn bộ hàng ngũ Hamas, đồng thời báo hiệu về những khủng hoảng sâu rộng hơn trong lực lượng này khi họ phải đối mặt chiến lược quân sự ngày càng quyết liệt từ Israel.

Các tay súng Hamas dự đám tang của hai thành viên khác trong nhóm tại Gaza City hồi tháng một. Ảnh: AFP
Hamas, lực lượng kiểm soát chính quyền dân sự ở Gaza, nhận được 15 triệu USD tiền mặt hàng tháng từ Qatar trước khi chiến sự nổ ra. Nhóm cũng huy động được tiền từ nhiều nơi khác như Tây Phi, Nam Á và Anh, tích lũy một lượng tiền dự trữ khoảng 500 triệu USD, nhưng phần lớn trong số đó ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo các quan chức phương Tây và Arab.
Kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10/2023, Israel đã kiểm soát chặt chẽ việc chuyển tiền mặt vào Gaza, khiến Hamas phải tìm cách lách những hạn chế này.
Các quan chức Arab, Israel và phương Tây cho hay Hamas đã sử dụng dòng hàng hóa nhân đạo và thương mại từ các tổ chức cứu trợ cho Gaza để xây dựng nguồn thu mới. Họ đánh thuế các thương nhân, thu thuế hải quan đối với xe tải tại các trạm kiểm soát và lấy hàng hóa để bán lại. Nhóm cũng sử dụng tiền mặt ở nước ngoài để mua hàng hóa nhân đạo sau đó bán ở Gaza để chuyển đổi lại thành tiền mặt.
Nhưng ngay cả với những giải pháp kể trên, Hamas vẫn đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt trước khi lệnh ngừng bắn hồi tháng một khai thông dòng viện trợ vào Gaza, tạo cơ hội cho nhóm bổ sung "kho bạc" của mình. Nhưng con đường đó đã bị đóng lại khi Israel tháng trước chặn đứng nguồn cung cấp hàng hóa nhân đạo cho khu vực, khiến Hamas không kịp trở tay.
"Hamas đang đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn, họ không thể kiếm tiền", Moumen al-Natour, luật sư người Palestine ở miền trung Gaza, cho hay.
Natour, người đã tham gia vào phong trào phản đối Hamas ở Gaza, cho biết họ đang chật vật trả lương cho các nhân viên chính quyền có liên kết với nhóm. "Hamas chủ yếu phụ thuộc vào việc bán hàng viện trợ nhân đạo trên chợ đen để thu tiền về", ông nói.
Các tổ chức cứu trợ đã chỉ trích việc Israel cắt đứt nguồn viện trợ vào Gaza, nói rằng nó có nguy cơ khiến hai triệu cư dân khu vực rơi vào cảnh đói khát cùng cực. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho hay việc chặn viện trợ đã làm suy yếu khả năng kiểm soát của Hamas, thêm rằng Tel Aviv đang xây dựng kế hoạch mới để phân phối viện trợ thông qua các đối tác dân sự.
Israel đang đánh giá lại quy trình kiểm tra, kiểm soát các lô hàng trong tương lai. Trước đây, Tel Aviv tập trung vào việc chặn các mặt hàng mà họ cho là có nguy cơ về an ninh. Hiện tại, quân đội đang cân nhắc giám sát chặt chẽ hơn cả với các mặt hàng thông thường nếu chúng có thể mang lại giá trị kinh tế cao cho Hamas, một quan chức Israel cho hay.
Theo các quan chức tình báo Arab, trong thời gian ngừng bắn, Hamas đã thiết lập các điểm chi trả để phát lương, trả cho nhân viên tiền mặt hoặc bằng hàng hóa. Sau khi Israel nối lại các cuộc tấn công hồi tháng 3, việc chi trả chuyển sang mạng lưới cá nhân riêng tư, bởi các thành viên nhóm đều đã ẩn náu.
Nhưng Eyal Ofer, nhà nghiên cứu về kinh tế Gaza, cho rằng cả hai cách làm trên đều có thể biến họ thành mục tiêu của quân đội Israel. "Ngay cả khi họ có một lượng lớn tiền mặt, khả năng phân phối hiện cũng rất hạn chế", ông nói.
Bên cạnh đó, Israel còn gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào những thành viên cấp cao Hamas, hạ sát những người đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối tiền mặt hoặc khiến họ phải lẩn trốn.
Cơn thiếu tiền đang khiến Hamas khó tuyển thêm tân binh và duy trì chiến đấu giữa lúc Israel đang gia tăng áp lực và phong trào biểu tình phản đối nhóm ở Gaza đang trỗi dậy.
Nhưng cuộc khủng hoảng tiền mặt cũng chất chồng thêm khó khăn với người dân Gaza. Những người phải sơ tán, người đang tìm kiếm thức ăn, nước uống, thuốc men hay nơi trú ẩn cần tiền mặt để trả cho những nhu cầu của họ.
Đồng shekel của Israel là tiền tệ hợp pháp ở Gaza. Trước xung đột, ngân hàng trung ương Israel thường xuyên tái cấp tiền mặt vào Gaza, nhưng hoạt động này đã bị đình lại từ sau khi chiến sự nổ ra cách đây 18 tháng. Nhiều chi nhánh ngân hàng và máy ATM ở Gaza đã bị phá hủy hoặc ngừng làm việc trong cuộc chiến.
Các tổ chức viện trợ đã cung cấp hàng chục triệu USD để hỗ trợ người Palestine kể từ khi xung đột bùng phát, giải ngân thông qua những ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến, theo các quan chức tình báo Arab. Người dân Gaza cũng nhận được kiều hối từ gia đình và bạn bè ở nước ngoài. Nhưng để chuyển thành tiền mặt, người Palestine cần phải trả cho những người đổi tiền mức hoa hồng lên tới hơn 20%, một quan chức tài chính cấp cao Palestine cho biết.
Không ai biết chính xác còn bao nhiêu tiền mặt ở Gaza, nhưng các nhà phân tích như Ofer ước tính con số có thể đạt khoảng 3 tỷ USD.
Tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng đến mức nó đã tạo ra dịch vụ sửa tiền, nơi người Palestine rửa sạch các tờ tiền và ghép lại bằng băng dính để có thể đưa chúng vào lưu thông trở lại.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters, AP)