ARTICLE AD BOX
Dù rất khó nhượng bộ nhau sau nhiều tuần leo thang thuế quan, Mỹ và Trung Quốc đều có động lực riêng để ngồi vào bàn đàm phán ở Thụy Sĩ.
Sau nhiều tuần căng thẳng trong cuộc đấu thuế quan, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý gặp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ trong hôm nay để bắt đầu đàm phán. Giới quan sát nhận định đây là kết quả tất yếu sau quá trình "thi gan, đọ mắt", trong đó hai nước đều mô tả đối phương mới là bên tuyệt vọng hơn.
Căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn leo thang đáng kể sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Mỹ đang bị đối xử bất công và áp thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, trong đó đặc biệt mạnh tay với Trung Quốc.
Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang chịu thuế 145%, nhảy vọt từ mức 10% mà ông Trump áp đầu tháng 2, một số sản phẩm thậm chí chịu thuế lên đến 245%. Bắc Kinh "ăn miếng, trả miếng", áp thuế 10-15% với một số mặt hàng Mỹ, sau đó tăng thuế lên 125% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế số một thế giới, tuyên bố "đối đầu đến cùng" với Washington.
"Cuộc đàm phán diễn ra vào thời điểm này vì hai bên đều nhận thấy đây là lúc họ có thể ngồi vào bàn thương lượng mà không bị xem là đã nhượng bộ đối phương", Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, nói.

Container hàng hóa tại cảng Oakland, bang California, Mỹ ngày 3/4. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/5 nhấn mạnh cuộc đàm phán "diễn ra theo đề nghị từ Mỹ". Cơ quan này cũng mô tả đây là hành động thiện chí của Bắc Kinh với Washington, rằng Trung Quốc "đang đáp lại lời kêu gọi từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng Mỹ".
Bộ Thương mại Trung Quốc cùng ngày cho biết Bắc Kinh quyết định tham gia đàm phán với Washington sau khi đánh giá các thông điệp gần đây từ giới chức Mỹ và những yếu tố khác như kỳ vọng từ thế giới, lợi ích quốc gia và lời kêu gọi từ người tiêu dùng, doanh nghiệp Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump lại đưa ra thông điệp trái ngược, tuyên bố Trung Quốc mới là bên "rất muốn đàm phán vì nền kinh tế của họ đang sụp đổ". "Họ nói chúng tôi đề xuất ư? Tôi nghĩ họ nên xem kỹ lại tài liệu của họ", ông chủ Nhà Trắng phản hồi cùng ngày.
Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại song phương.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) Trung Quốc tháng 4 giảm còn 49 điểm, thấp nhất kể từ tháng 12/2023. PMI trên 50 điểm phản ánh hoạt động sản xuất mở rộng và ngược lại. Kết quả khảo sát do hãng Caixin thực hiện cho thấy hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tháng 4 xuống thấp nhất 7 tháng.
Theo BBC, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng đang chật vật xoay xở trước mức thuế cao từ Mỹ. Hàng tồn kho ngày càng nhiều, dù họ đưa ra tuyên bố cứng rắn và tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ.
"Tôi nghĩ Trung Quốc nhận ra rằng có một thỏa thuận vẫn tốt hơn không", Bert Hofman, giáo sư tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định. "Do đó, họ chọn cách tiếp cận thực tế hơn, và nói 'được rồi, chúng ta cần bắt đầu đàm phán'".
Ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, bất ổn từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã góp phần khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng âm lần đầu tiên trong vòng ba năm. GDP Mỹ quý I giảm 0,3%, chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu hàng hóa trước khi mức thuế mới có hiệu lực.
Diễn biến này khiến phần lớn nhà kinh tế học phải giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Mỹ. Các ngành vốn phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại. Chủ một công ty đồ chơi ở bang California nói họ "đang chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn chuỗi cung ứng".
Bản thân ông Trump cũng thừa nhận người tiêu dùng Mỹ sẽ "cảm nhận đau đớn". Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ đã trượt dốc vì mối lo liên quan lạm phát và nguy cơ suy thoái. Kết quả các thăm dò cho thấy hơn 60% người dân Mỹ nói ông Trump đang quá chú trọng vào thuế quan.
"Hai bên đều chịu áp lực phải có sự trấn an nhất định khi thị trường, doanh nghiệp và người dân mỗi nước ngày càng hoang mang", ông Olson nói. "Cuộc đàm phán ở Geneva sẽ hướng đến mục tiêu này".
Trả lời phỏng vấn Fox News sau khi thông tin đàm phán Mỹ - Trung được công bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói hai nước "đều có lợi" khi thương lượng vì mức thuế quan hiện tại không thể duy trì lâu dài.
"Chúng tôi không muốn tách rời nhau. Điều chúng tôi muốn là thương mại bình đẳng", ông Bessent cho biết. "Chúng tôi phải xuống thang trước khi có thể tiến về phía trước".
Ông Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Đại diện của Trung Quốc là Phó thủ tướng Hà Lập Phong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Giới quan sát đánh giá Mỹ - Trung bắt đầu đàm phán là tín hiệu tích cực, nhưng không quá lạc quan về kết quả đạt được. Bill Reinsch, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói một trong những trở ngại lớn với cả Mỹ và Trung Quốc là khác biệt trong chiến lược đàm phán.
"Ông Trump chọn cách tiếp cận từ trên xuống, muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nghĩ rằng nếu hai lãnh đạo đồng thuận, họ có thể đạt một thỏa thuận lớn, sau đó chỉ đạo cấp dưới xây dựng nội dung chi tiết", ông Reinsch nói với AFP. "Trung Quốc lại có hướng đi ngược lại. Họ muốn các vấn đề được giải quyết trước, đạt đồng thuận ở cấp chuyên viên trước khi lãnh đạo hai bên gặp mặt".
Olson, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, có chung quan điểm.
"Những căng thẳng mang tính hệ thống trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ không sớm được giải quyết", ông Olson nói. "Cuộc gặp ở Geneva sẽ chỉ mang đến những tuyên bố như 'đối thoại thẳng thắn' và mong muốn duy trì đối thoại".
Như Tâm (Theo BBC, Reuters, AFP)