ARTICLE AD BOX
Thứ bảy, 8/3/2025, 08:58 (GMT+7)
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói ngành đối ngoại cần vươn mình lên tầm cao mới, hướng tới nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.
Trong Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" diễn ra tại Học viện Ngoại giao ngày 7/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng nền ngoại giao trong kỷ nguyên mới phải là một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, phát huy vai trò tiên phong, cùng với quốc phòng, an ninh thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Ông đánh giá ngoại giao phải là cầu nối kết hợp nội lực với ngoại lực, tranh thủ được điều kiện thuận lợi và nguồn lực bên ngoài, góp phần mở rộng không gian phát triển, kiến tạo cơ hội mới, phục vụ đắc lực cho các đột phá chiến lược của đất nước. Ngoại giao cũng phải góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị Việt Nam ra thế giới, nâng tầm đóng góp của Việt Nam đối với các vấn đề chung của quốc tế.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đánh giá mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra cho đối ngoại trong giai đoạn mới rất cao.
Trong môi trường quốc tế rất nhiều biến động, cơ hội và thách thức đan xen, ông Sơn đề nghị ngành đối ngoại cần thực sự vươn mình lên tầm cao mới, tiến tới nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ.
Theo ông, để ngành đối ngoại hoàn thành được nhiệm vụ củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế bên ngoài thuận lợi để đất nước phát triển bứt phá, việc làm rõ cơ sở lý luận về nội hàm "kỷ nguyên mới" của ngành đối ngoại, cũng như vai trò "trọng yếu, thường xuyên" là yêu cầu cấp thiết.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Ánh
Các diễn giả, đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo đều nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc cũng như tâm thế dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sẵn sàng đi đầu của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Tại hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng công tác đối ngoại đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển, xử lý hài hòa quan hệ với các đối tác quan trọng.
Đối ngoại, ngoại giao đã không ngừng củng cố thế và lực của đất nước, củng cố tin cậy chính trị và nâng cấp quan hệ với các đối tác theo hướng ngày càng thực chất, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (P5), các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Ngọc Ánh