ARTICLE AD BOX
Giáo hoàng Francis đã dành gần như cả cuộc đời cống hiến cho Giáo hội, là tiếng nói mạnh mẽ truyền thông điệp về tình yêu, bình đẳng cho mọi người.
Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời sáng 21/4 ở tuổi 88, để lại nhiều tiếc thương cho thế giới. "Cả cuộc đời ngài đã cống hiến cho việc phụng sự Chúa và giáo hội", Đức Hồng y Kevin Farrell phát biểu khi thông báo việc Giáo hoàng từ trần.
Trong Giáo hội và khắp thế giới, nhiều người nhớ tới ông là một Giáo hoàng giản dị, luôn bày tỏ tình yêu thương và lòng trắc ẩn, kêu gọi hòa bình cho thế giới và lòng thương với người nghèo khó.
"Dân tôi nghèo và tôi là một trong số họ", Giáo hoàng nhiều lần nói như vậy. Ông luôn khuyên các linh mục của mình thể hiện lòng thương xót và mở cửa đón nhận tất cả mọi người.

Giáo hoàng Francis đến tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, tháng 11/2022. Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Francis có tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, thủ đô Argentina, là con trai của những người nhập cư Italy. Cha ông là Mario, kế toán làm việc trong ngành đường sắt, còn mẹ là Regina Sivori, bà nội trợ tần tảo chăm sóc chồng cùng 5 người con.
Ông theo học chuyên ngành kỹ thuật viên hóa học, nhưng sau đó gia nhập Chủng viện Giáo phận Villa Devoto, lựa chọn con đường trở thành linh mục. Ngày 11/3/1958, ông vào tập viện của Dòng Tên, dòng tu Công giáo Roma được thành lập vào năm 1534 bởi thánh Ignatius Loyola.
Ông hoàn thành chương trình học về khoa học nhân văn tại Chile và trở về Argentina vào năm 1963, tốt nghiệp với bằng triết học từ Đại học Maximo San José ở San Miguel. Từ năm 1964 đến 1966, ông dạy văn học và tâm lý học tại chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Santa Fé và trường Salvador ở Buenos Aires.
Năm 1967, ông hoàn thành nghiên cứu thần học và được tổng giám mục José Ramón Castellano truyền chức linh mục vào ngày 13/12/1969. Ông tiếp tục rèn giũa kiến thức tại Đại học Alcalá de Henares, Tây Ban Nha, từ năm 1970 đến 1971 và vào ngày 22/4/1973, ông tuyên khấn trọn đời với Dòng Tên.
Ba tháng sau, ông được bổ nhiệm làm giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina và giữ chức vụ này trong 6 năm. Đến năm 1980, ông trở thành giám đốc chủng viện San Miguel, nơi ông đã được đào tạo từ thời còn là chủng sinh.
Năm 1986, ông sang Đức hoàn thành luận án tiến sĩ. Khi còn ở Đức, ông được thấy bức tranh Đức Mẹ Tháo gỡ Nút thắt (Mary Untier of Knots) tại Augsburg và đã mang bản sao bức tranh về Argentina. Từ đó, nó trở thành biểu tượng sùng kính Đức Mẹ quan trọng với ông.
Tại Argentina, Hồng y Antonio Quarracino, tổng giám mục Buenos Aires, muốn ông trở thành cộng sự thân cận. Vì vậy, vào ngày 20/5/1992, giáo hoàng John Paul II đã bổ nhiệm ông làm giám mục hiệu tòa Auca và giám mục phụ tá Buenos Aires. Ông chọn khẩu hiệu giám mục của mình là miserando atque eligendo (thương xót và tuyển chọn).
Sau khi Hồng y Quarracino qua đời, ông trở thành người kế nhiệm vào ngày 28/2/1998 với tư cách Tổng Giám mục, giáo trưởng và giám quản cho các tín hữu nghi lễ Đông phương ở Argentina, những người không có giám quản theo nghi lễ riêng của họ.
Tại Công nghị ngày 21/2/2001, giáo hoàng John Paul II đã tấn phong ông làm hồng y, trao cho ông tước hiệu Hồng y Nhà thờ San Roberto Bellarmino. Ông đã yêu cầu các tín hữu không đến Roma để ăn mừng việc ông được tấn phong, mà hãy quyên góp cho người nghèo số tiền mà họ dự định chi tiêu cho chuyến đi.
Trên cương vị một Hồng y, các bài giảng của ông luôn có tác động sâu rộng ở Argentina, Italy, cũng như trên toàn thế giới. Ông thường nhấn mạnh đến khả năng hòa nhập xã hội, gián tiếp chỉ trích các chính phủ không quan tâm đến những người ở bên lề xã hội.
Francesca Ambrogetti, đồng tác giả tiểu sử về ông, từng nói với Reuters rằng một phần sức hấp dẫn của ông đối với công chúng nằm ở lối sống khiêm tốn, "tỉnh táo và khắc khổ".
Mặc dù ngày càng nổi tiếng ở Mỹ Latin, ông không bao giờ từ bỏ lối sống nghiêm ngặt, gần như là khổ hạnh của mình. Năm 2002, ông từ chối trở thành Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina nhưng ba năm sau, ông được bầu vào chức vụ này và vào năm 2008 được bầu thêm một nhiệm kỳ ba năm.
Ở Buenos Aires, ông sống trong một căn hộ giản dị. Khi tới Rome, ông thường mặc áo choàng đen và được cho là đã tái sử dụng áo choàng hồng y mà người tiền nhiệm từng dùng.
Tháng 4/2005, ông tham dự Mật nghị Hồng y để bầu Giáo hoàng Benedict XVI. Ông tiếp tục dự Mật nghị tại Vatican sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị vào ngày 28/2/2013.
Tại Mật nghị Hồng y lần này, ông được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 13/3/2013. Ông trở thành Giáo hoàng thứ 266 và là Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên, cũng là Giáo hoàng đầu tiên không phải từ châu Âu trong lịch sử hơn 2.000 năm của Giáo hội Công giáo.

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông từ ban công trung tâm của Vương cung Thánh đường Thánh Peter tại Vatican, sau khi được bầu ngày 13/3/2013. Ảnh: AP
Phóng viên BBC tại Rome David Willey lúc bấy giờ đưa tin vào buổi sáng sau ngày được bầu, Giáo hoàng Francis đã rời khỏi Vatican trên một đoàn xe không có biển hiệu để tới cầu nguyện tại Vương cung Thánh đường La Mã.
Trên đường trở về Vatican, Giáo hoàng nhất quyết thanh toán hóa đơn tại một khách sạn dành cho giáo sĩ ở trung tâm thủ đô Italy, nơi ông đã lưu trú cho đến khi Mật nghị Hồng y bắt đầu.
Đức ông Osvaldo Musto, người từng học cùng chủng viện với Giáo hoàng Francis, năm 2005 mô tả ông là người khá "bảo thủ trước các nguyên tắc của Giáo hội, mọi thứ mà Giáo hội bảo vệ liên quan đến an tử, án tử hình, quyền phá thai, quyền được sống, quyền con người hay quyền độc thân của các linh mục".
Trong những năm tháng sau này, Giáo hoàng Francis tiếp tục đặt mối quan tâm về bất bình đẳng kinh tế lên hàng đầu trong các thông điệp của mình. Trong cuốn Evangelii Gaudium (Niềm vui Phúc âm), tác phẩm lớn đầu tiên Giáo hoàng viết kể từ khi nhậm chức, ông chỉ trích việc sùng bái tiền bạc và tôn thờ vật chất.
Khi phát biểu, Giáo hoàng sử dụng giọng điệu ít trang trọng hơn so với những người tiền nhiệm, làm bật lên đức tính giản dị và khiêm nhường của ông. Trong khi nhấn mạnh rằng cốt lõi của giáo lý Công giáo về tình dục không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán, ông cũng nói rằng Giáo hội đã quá tập trung vào việc thực thi các quy tắc về hành vi con người.
Trong một động thái chưa từng có, ông đã ra lệnh tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến của những người Công giáo về giáo lý của Giáo hội liên quan đến đạo đức tình dục và đời sống gia đình.
Giáo hoàng từng phủ nhận những tin đồn về một "nhóm vận động hành lang đồng tính" tại Vatican, nhưng khẳng định rằng "nếu một người đồng tính tìm kiếm Chúa và có thiện chí, tôi là ai mà phán xét?".
Giáo hoàng từng nhiều lần nhấn mạnh rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội "là điều mà linh mục Henri de Lubac gọi là tính thế tục về mặt tâm linh", tức "tự cho mình là trung tâm thế giới".
Và khi nói về công lý xã hội, Giáo hoàng luôn kêu gọi mọi người hãy đọc Giáo lý, khám phá lại Mười Điều Răn và Bát Phúc. Tôn chỉ của Giáo hoàng rất đơn giản: Nếu bạn theo Chúa, bạn sẽ hiểu rằng "giẫm đạp lên phẩm giá của một người là tội cực kỳ nghiêm trọng".

Giáo hoàng Francis giữa đám đông người ủng hộ trong chuyến thăm Albania hồi tháng 9/2014. Ảnh: AFP
Giáo hoàng cũng đặc biệt quan tâm tới các sự kiện gây bất ổn thế giới mà nổi bật trong những năm gần đây là xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza.
Trong thông điệp Giáng sinh tại lễ ban phước lành truyền thống "Urbi et Orbi" ở Vatican năm ngoái, Giáo hoàng đã kêu gọi các bên "có sự táo bạo cần thiết để mở cánh cửa đàm phán và sẵn sàng đối thoại, hợp tác để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài" cho Ukraine.
Giáo hoàng cũng đề cập đến các cộng đồng Công giáo ở Israel và Palestine, đặc biệt là những người ở Gaza. "Cầu mong sẽ có một lệnh ngừng bắn, cầu mong các con tin được thả và viện trợ được trao cho những người đang kiệt sức vì đói khát và chiến tranh", ông nói.
Vài năm gần đây, Giáo hoàng đối mặt nhiều vấn đề về sức khỏe. Ngày 14/2, Vatican thông báo ông phải nhập viện để điều trị viêm phế quản. Trong những ngày tiếp theo, Giáo hoàng được chẩn đoán mắc viêm phổi và đã được truyền máu sau khi các xét nghiệm cho thấy ông bị giảm tiểu cầu.
Hôm 22/2, Vatican cho biết Giáo hoàng trong tình trạng nguy kịch sau một "cơn khủng hoảng hô hấp kéo dài" đòi hỏi phải truyền oxy liều cao. Ngày hôm sau, Vatican cho hay ông có biểu hiện suy thận nhẹ.
Hàng nghìn tín đồ đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Peter để cầu nguyện cho Giáo hoàng, đồng thời tới bệnh viện Gemelli ở Rome, nơi ông điều trị, để đặt hoa và thiệp.
Giáo hoàng phải nằm viện trong suốt những ngày còn lại của tháng hai và các bác sĩ cho biết tình trạng của ông "rất phức tạp".
Ngày 6/3, giọng nói của Giáo hoàng lần đầu tiên được phát đi qua một tin nhắn thoại kể từ sau khi ông nhập viện, trong đó ông cảm ơn những người đã cầu nguyện cho mình.
38 ngày nằm viện của Giáo hoàng kết thúc hôm 23/3 khi ông xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trên ban công tại bệnh viện Gemelli. Giáo hoàng mỉm cười và giơ ngón tay cái lên chào đám đông tụ tập bên ngoài.
Trên đường trở về Vatican, ông dừng chân tại vương cung thánh đường yêu thích của mình trên, trước khi bắt đầu hai tháng dưỡng bệnh theo chỉ định.
Các bác sĩ lưu ý mặc dù bệnh viêm phổi đã được điều trị thành công, Giáo hoàng vẫn phải dùng thuốc trong một thời gian dài để điều trị bệnh nấm phổi cũng như vật lý trị liệu hô hấp. Nhưng bất chấp lời khuyên nghỉ ngơi hoàn toàn của các bác sĩ, Giáo hoàng vẫn tiến hành nhiều hoạt động trong những ngày cuối đời, trong đó có chuyến thăm các tù nhân trước lễ Phục sinh tại nhà tù Regina Coeli ở Rome hôm 17/4.
"Tôi muốn tới gần các bạn. Tôi cầu nguyện cho các bạn và gia đình", Giáo hoàng gửi lời chúc tới khoảng 70 tù nhân tại sự kiện.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn ngồi trên chuyên xa Popemobile, di chuyển ở Quảng trường St. Peter chào các tín đồ tới Vatican đón Thánh lễ Phục sinh. Một ngày sau, thông tin đau buồn được Vatican công bố.
"Vào lúc 7h35 sáng nay (12h35 giờ Hà Nội), Giám mục Roma, Francis, đã trở về với Chúa Cha", Đức Hồng y Kevin Farrell cho hay.
Vũ Hoàng (Theo BBC, AFP, Reuters)