Chiến lược 'phân vai' của ông Trump trong đòn thuế

6 nhiều giờ trước kia 1
ARTICLE AD BOX

Các quan chức kinh tế Mỹ thể hiện quan điểm, vai trò khác nhau trong đòn thuế của ông Trump, như chiến lược "tung hứng" để đạt hiệu quả cao nhất.

Tổng thống Donald Trump ngày 2/4 công bố kế hoạch áp thuế 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4. Sau đó, kể từ ngày 9/4, hàng loạt đối tác thương mại của Mỹ chịu mức thuế đối ứng cao hơn, lên tới 50%.

Trong quá trình này, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và cố vấn thương mại Peter Navarro là hai quan chức thường xuyên thay mặt ông Trump để đưa ra thông điệp thuế quan cứng rắn với các đối tác, trong đó có những tuyên bố như Mỹ sẽ không đàm phán hay nhân nhượng về mức thuế đã công bố.

Nhưng chỉ nửa ngày sau khi đòn thuế có hiệu lực, ông Trump lại thông báo hoãn thuế đối ứng 90 ngày với hầu hết nền kinh tế để đàm phán. Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent xuất hiện tại Nhà Trắng để trả lời báo giới về quyết định hoãn áp thuế, trong khi Lutnick và Navarro vắng bóng trên truyền thông.

Giới quan sát đánh giá động thái này cho thấy Tổng thống Trump dường như đã phân vai "người tốt, kẻ xấu" cho các cố vấn cấp cao của mình, để họ tung hứng trong quá trình công bố chính sách thuế nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong gây áp lực và đàm phán với các đối tác.

"Trong chiến lược này, Bessent đang giữ vai trò 'cảnh sát tốt', giúp tránh châm ngòi một cuộc chiến thương mại toàn cầu", William Alan Reinsch, cựu lãnh đạo Hội đồng Thương mại Quốc gia Mỹ, nói. "Còn ông Lutnick và ông Navarro đóng vai 'cảnh sát xấu'".

Tổng thống Donald Trump (giữa), Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tại Nhà Trắng ngày 3/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump (giữa), Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (trái) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tại Nhà Trắng ngày 3/2. Ảnh: AFP

Theo bà Katie Shonk, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard, "cảnh sát tốt, cảnh sát xấu" là chiến lược phân vai nhằm giành lợi thế thương lượng với bên khác. Nhóm thực hiện chiến lược này thường gồm một phe "hành xử theo kiểu đe dọa, thù địch và công kích", trong khi phe còn lại "tỏ ra đồng cảm, thân thiện, không đe dọa".

Người đàm phán thuộc "phe tốt" hướng đến giành sự tin tưởng và để đối phương tự nguyện nhượng bộ, bởi họ thường có xu hướng tránh những đề xuất không hấp dẫn từ "phe xấu".

Theo truyền thông Mỹ, kế hoạch thuế đối ứng của ông Trump có sự tham gia xây dựng của ông Bessent, ông Lutnick, ông Navarro và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. Trong số này, ông Navarro có quan điểm cứng rắn nhất về thuế quan, còn ông Lutnick ở khoảng giữa hai ông Bessent và ông Navarro.

Navarro luôn coi thuế quan là công cụ để tăng cường ngân sách và hồi sinh sản xuất cho Mỹ. Trong các tuyên bố công khai, ông khẳng định kế hoạch áp thuế đối ứng là "không thể thương lượng" và "đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia", khiến nhiều đồng minh trong đảng Cộng hòa của ông Trump lo ngại về một cuộc thương chiến có thể đẩy nền kinh tế số một thế giới vào suy thoái.

Những tuyên bố cứng rắn, quyết liệt của Navarro đã châm ngòi rạn nứt trong nội bộ chính quyền ông Trump, khi tỷ phú Elon Musk công khai chỉ trích cố vấn thương mại này "đầu óc thua cả bao gạch".

"Quan điểm quyết liệt và thái độ cứng rắn giúp Navarro thành mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch của ông Trump", nguồn tin thân cận Nhà Trắng nói với Hill. "Bạn cần có một ông kẹ chuyên tung ra những lời đe dọa về rào cản thương mại lớn. Và khi họ phải đàm phán, Navarro chỉ cần đứng ở hậu trường cũng tạo được sức mạnh đàm phán cho Tổng thống Trump".

Nguồn thạo tin thứ hai nói ông Navarro đã hoàn thành tốt vai trò "cảnh sát xấu", để ông Trump và Bessent có thể là "cảnh sát tốt".

Bộ trưởng Lutnick cũng tỏ ra cứng rắn về thuế đối ứng. Ông tuyên bố đây "không phải vấn đề có thể thương lượng trong vài tuần" và Tổng thống Trump "không đùa, sẽ không trì hoãn".

Trong quá trình đàm phán thương mại với các tỉnh ở Canada trước đó, ông Lutnick đã phối hợp và "tung hứng" cùng Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum. Hai quan chức này trở thành một cặp tốt - xấu để gây sức ép với phía Canada, Kevin O'Leary, doanh nhân Canada có quan hệ mật thiết với Ottawa, nói với CNN. "Lutnick thực sự làm tốt vai trò 'cảnh sát xấu'".

Trong khi đó, ông Bessent có quan điểm thận trọng về thuế quan. Một số nhà quan sát cho rằng lập trường này, cùng với kinh nghiệm lâu năm của Bộ trưởng Tài chính trên thị trường trái phiếu, đã giúp ông có tiếng nói hơn so với ông Lutnick và Navarro.

"Tôi nghĩ tình huống đã xảy ra là ông Trump ban đầu không chú ý đến thị trường trái phiếu" khi công bố chính sách thuế đối ứng, ông Reinsch, hiện là chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói. "Và ông Bessent đã giúp ông Trump nhận ra tình hình".

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ rung chuyển sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, được coi là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường biến động, có tuần tăng mạnh nhất kể từ 2001. Thị trường trái phiếu Mỹ vốn được cho là quá lớn để bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhỏ về nhu cầu. Vì vậy, thị trường này biến động đồng nghĩa đang có vấn đề nghiêm trọng.

Politico ngày 10/4 dẫn nguồn tin nói Bộ trưởng Bessent, cầu nối chính của Nhà Trắng với thị trường tài chính, giờ là người phụ trách nỗ lực đàm phán với các đối tác thương mại của Mỹ trong ba tháng hoãn thuế đối ứng.

Ông Bessent đã được giao nhiệm vụ đàm phán khoảng 90 thỏa thuận thương mại với các đối tác, khả năng cao bắt đầu với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước đang muốn nhanh chóng giải quyết bất đồng. Ông Lutnick có thể tham gia đàm phán còn Navarro cùng một số quan chức khác như đại diện thương mại Jamieson Greer giữ vai trò hỗ trợ.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett ngày 14/4 cho hay chính quyền ông Trump đã gần đạt được thỏa thuận thương mại với hơn 10 nước sau quá trình đàm phán, nhưng chỉ công bố khi "Tổng thống hài lòng với chúng".

Một số chuyên gia dự đoán Bessent thời gian tới sẽ có vai trò nổi bật hơn về chính sách thuế quan, trở thành "phát ngôn viên chính sách kinh tế của chính quyền Trump".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Kiev, Ukraine ngày 12/2. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Kiev, Ukraine ngày 12/2. Ảnh: AFP

Terry Haines, nhà sáng lập đơn vị tư vấn Pangaea Policy, tin rằng chính quyền ông Trump "cố tình" đưa ra nhiều tiếng nói dường như đối lập nhau về vấn đề thuế quan. "Họ muốn nhiều người lên tiếng nhất có thể, nêu những điều khác nhau, khiến truyền thông tràn ngập quan điểm. Chiến thuật này có thể khiến thị trường hoảng loạn, nhưng mang lại hiệu quả về mặt chính trị", ông Haines nhận định.

Haines cho rằng sau quá trình tung hứng, vai trò của từng cố vấn bên cạnh Tổng thống Trump đã trở nên nổi bật hơn, khi quá trình đàm phán được thúc đẩy. "Chúng ta cần phải biết cần lắng nghe ai. Và mọi thứ đang dần trở nên rõ ràng rằng đó là Bộ trưởng Bessent", ông nói.

Như Tâm (Theo BBC, Politico, The Hill)

Đọc toàn bộ bài viết