Cảnh báo liên tục, vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa của shipper giả?

10 nhiều giờ trước kia 1
ARTICLE AD BOX

shipper - Ảnh 1.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức giao hàng để thực hiện hành vi lừa đảo

Thời gian gần đây, các vụ lừa đảo giả mạo shipper đang trở thành nỗi ám ảnh với người mua hàng online trên cả nước. Hình thức này được đánh giá là một trong những thủ đoạn tinh vi nhất hiện nay, khi đối tượng lừa đảo khai thác triệt để tâm lý chủ quan của người tiêu dùng và sự thiếu cảnh giác trong giao dịch trực tuyến.

Những chiêu lừa phổ biến

Kẻ gian thường gọi điện giả danh nhân viên giao hàng, đọc chính xác tên, số điện thoại và địa chỉ của khách để tạo sự tin tưởng. Sau đó chúng viện lý do phát sinh như thiếu phí giao hàng hoặc phí bảo hiểm hàng hóa, yêu cầu khách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân. Ngay khi nhận được tiền, đối tượng lập tức chặn liên lạc, khiến nạn nhân mất tiền và không nhận được hàng.

Một thủ đoạn khác là đánh vào sự lo sợ của nạn nhân bằng cách thông báo đã chuyển nhầm tài khoản "hội viên shipper". Đối tượng nói rằng nếu không hủy dịch vụ, tài khoản sẽ bị trừ từ 2 đến 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Trong tình huống căng thẳng này, nhiều người làm theo yêu cầu, nhấp vào liên kết lạ hoặc cung cấp mã OTP để "hủy dịch vụ", vô tình mở đường cho kẻ gian chiếm đoạt tiền và thông tin cá nhân.

Ngoài ra, nhiều nạn nhân còn nhận được tin nhắn chứa đường link giả mạo các hãng vận chuyển lớn như GHN, GHTK, Shopee. Khi truy cập và nhập thông tin đăng nhập hoặc mã OTP, toàn bộ dữ liệu bị đánh cắp và tài khoản ngân hàng nhanh chóng bị rút sạch.

shipper - Ảnh 2.

Các chiêu thức lừa đảo giả mạo shipper ngày càng phổ biến

Vì sao người dân dễ sập bẫy?

Nguyên nhân đầu tiên là tình trạng rò rỉ dữ liệu cá nhân. Thông tin tên, số điện thoại, địa chỉ giao hàng bị lộ lọt hoặc mua bán trái phép, giúp kẻ gian dễ dàng tiếp cận nạn nhân với thông tin chính xác. 

Bên cạnh đó, tâm lý sợ mất đơn hàng, vội vàng nhận hàng khi bận rộn khiến nhiều người dễ dàng tin vào lời nói của đối tượng.

Đáng chú ý, những kẻ lừa đảo thường tỏ ra rất chuyên nghiệp. Chúng sử dụng giọng nói tự tin, thuật ngữ chuyên ngành vận chuyển, thậm chí gửi hình ảnh giả mạo nhân viên giao hàng hoặc phiếu giao hàng để củng cố lòng tin của khách.

Dấu hiệu nhận biết và phòng tránh

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nhân viên giao hàng chính thống không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân trước khi nhận hàng. Nếu gặp tình huống yêu cầu đóng phí bổ sung hoặc cung cấp mã OTP để hoàn tất giao dịch, người mua phải lập tức dừng lại và xác minh thông tin qua ứng dụng chính thức của đơn vị vận chuyển.

Người tiêu dùng tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ hoặc cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Việc theo dõi đơn hàng chỉ nên thực hiện qua website hoặc ứng dụng của các đơn vị giao hàng uy tín. 

Ngoài ra, nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là khi tham gia mua hàng qua các buổi livestream.

Làm gì khi bị lừa?

shipper - Ảnh 3.

Chỉ thanh toán khi kiểm tra hàng tận tay hoặc qua ứng dụng chính thức của đơn vị vận chuyển

Khi phát hiện bị lừa, điều quan trọng nhất là giữ lại toàn bộ bằng chứng, bao gồm số điện thoại liên lạc, số tài khoản nhận tiền, nội dung tin nhắn, ảnh chụp màn hình và ghi âm cuộc gọi nếu có. 

Sau đó nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất hoặc liên hệ với các đường dây nóng như 113, 069.219.4053 (An ninh mạng - toàn quốc), 0693.187.200 (Công an TP.HCM). Đồng thời gửi thông tin cảnh báo đến Cục An toàn thông tin tại địa chỉ canhbao.ncsc.gov.vn để được hỗ trợ xử lý.

Đọc toàn bộ bài viết