ARTICLE AD BOX
Khi kinh tế gặp khó khăn và chảy máu chất xám, Bhutan đặt cược vào Bitcoin, dùng đồng tiền số này để cải thiện đời sống người dân và tăng lương công chức.
Dù được coi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, với 93,6% dân số nhận mình là "người hạnh phúc" vào năm 2023, Bhutan đối mặt với nhiều thách thức giữa những thay đổi chóng mặt về công nghệ.
Khi Internet, mạng xã hội và các công nghệ hiện đại phổ biến hơn, nhiều người Bhutan không còn hài lòng với cuộc sống quá yên bình và cảm nhận rõ nhu cầu chuyển mình trước biến chuyển của thời đại. Vương quốc gần 800.000 dân này cũng đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế và tình trạng chảy máu chất xám.
Bhutan nằm trên dãy Himalaya, hầu hết đất đai không thể canh tác do địa hình đồi núi, phải nhập khẩu phần lớn thực phẩm từ Ấn Độ. Kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào du lịch tôn giáo, thiên nhiên, ngành chiếm hơn 10% GDP.
Nhưng Bhutan đang phải vật lộn duy trì lượng du khách sau đại dịch Covid-19. "Bhutan từng đón trung bình 300.000 du khách mỗi năm, nhưng năm ngoái chỉ có khoảng 150.000 người", Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay nói.
Trong bối cảnh này, Bhutan đã khai thác hàng triệu USD Bitcoin như một trong những canh bạc vực dậy kinh tế, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới đón nhận đồng tiền số này.
Bitcoin là tiền số mã hóa phi tập trung đầu tiên, được tạo ra năm 2008 và không chịu kiểm soát của bất kỳ chính phủ nào. Bitcoin có giá trị vì số lượng hữu hạn trên blockchain, với khoảng 21 triệu đồng Bitcoin, phần lớn đã được khai thác, chỉ còn khoảng một triệu đồng.

Vị trí Bhutan. Đồ họa: Britannica
Khai thác, hay đào Bitcoin, cần siêu máy tính tốn nhiều năng lượng để giải các phép toán phức tạp. Bhutan dùng các nhà máy thủy điện để cung cấp năng lượng cho các siêu máy tính đào Bitcoin.
"Đó là lựa chọn chiến lược đơn giản đã được nhiều người thực hiện để kiếm hàng tỷ USD, và tôi nghĩ các chính phủ nên làm vậy", Thủ tướng Tobgay nói hồi tháng 3.
Ông Tobgay cho biết trong những tháng mùa hè, lưu lượng nước sông tăng lên giúp các nhà máy thủy điện sản xuất được nhiều điện năng hơn nhu cầu sử dụng. "Đó là lý do đào Bitcoin có ý nghĩa to lớn", Thủ tướng Bhutan giải thích.
Quốc vương Bhutan, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, từ lâu cũng ủng hộ đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. "Là nước nhỏ, chúng ta cần phải trở thành quốc gia thông minh, không phải vì lựa chọn mà vì nhu cầu tất yếu", nhà vua nói năm 2019. "Công nghệ là công cụ không thể thiếu để hiện thực hóa khát vọng này".
Ngoài thách thức kinh tế, Bhutan còn đối diện tình trạng chảy máu chất xám, khi nhiều người trẻ đang rời đất nước để học tập và làm việc tại nước ngoài, với mong muốn khám phá thế giới.

Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay tại Singapore, tháng 9/2024. Ảnh: AFP
Chỉ trong năm 2022, hơn 10% dân số có học vấn, trình độ của Bhutan đã xuất ngoại. Australia, một trong những điểm đến chính, ghi nhận số dân Bhutan nhập cư tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016-2021.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong nước đạt 19% năm 2024, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình 13,6% của thế giới. "Chúng tôi có việc làm trong nước, nhưng không thể cạnh tranh với mức lương tại những nước phát triển", ông Tobgay cho biết.
Tình trạng chảy máu chất xám làm suy yếu dịch vụ dân sự của Bhutan. Lượng công chức nghỉ việc tăng mạnh kể từ năm 2019, cho đến khi Bhutan quyết định bán 100 triệu USD Bitcoin để tăng gấp đôi lương cho công chức vào năm 2023.
Kể từ đó, chính phủ ghi nhận lượng công chức nghỉ việc giảm đáng kể. Quý I/2024 có 500 công chức xin nghỉ, giảm mạnh so với gần 1.900 người vào cùng kỳ năm trước đó.
Theo công ty tình báo blockchain Arkham, tính đến ngày 9/4, Bhutan đang nắm giữ số Bitcoin trị giá hơn 600 triệu USD, chiếm 30% GDP vương quốc.
Dữ liệu của Arkham cho thấy Bhutan cũng nắm giữ các loại tiền số khác như Ethereum và LinqAI, dù số lượng nhỏ hơn nhiều so với Bitcoin.

Dân Bhutan đi chợ ở thủ đô Thimphu, tháng 1/2024. Ảnh: AFP
Đào bitcoin được xem là một trong số ít lựa chọn cho phép Bhutan phát triển kinh tế mà vẫn phù hợp với các giá trị của quốc gia, có thể bảo vệ môi trường, tập trung vào hạnh phúc thay vì công nghiệp hóa.
"Chúng tôi rất cẩn thận về nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tránh để các ngành công nghiệp gây hại môi trường, làm suy yếu nền văn hóa", Thủ tướng Tobgay nói.
Giới chuyên gia cho biết Bhutan có môi trường, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi để đào bitcoin.
Thủ đô Thimphu và các khu vực khác có khí hậu lạnh, làm giảm nhu cầu sử dụng hệ thống tản nhiệt cho siêu máy tính. Nhiệt độ trung bình tại quốc gia này duy trì ở mức 15-30 độ C quanh năm.
Quốc gia này cũng sản xuất nhiều thủy điện hơn mức tiêu thụ và xuất khẩu thủy điện sang Ấn Độ. Đào bitcoin được xem là giải pháp thay thế cho xuất khẩu khi thuế quan biến động.
"Khi thuế ở mức hợp lý, Bhutan sẽ bán điện cho Ấn Độ. Khi thuế cao, họ có thể giữ lại và sử dụng số điện này để đào bitcoin", Aditya Gowdara Shivamurthy, chuyên gia tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát (ORF) trụ sở Ấn Độ, giải thích.
"Điều quan trọng là Bhutan có thể tận dụng năng lượng xanh để đào bitcoin như một phần trong danh mục đầu tư của mình", Ujwal Deep Dahal, quan chức thương mại, đầu tư cấp cao của Chính phủ Hoàng gia Bhutan, nhận định.
Đức Trung (Theo Al Jazeera, AFP)