Cam kết cải thiện kinh tế của ông Trump vấp hoài nghi

1 tháng trước kia 17
ARTICLE AD BOX

Ông Trump từng giành ủng hộ của cử tri nhờ lời hứa cải thiện kinh tế Mỹ, nhưng các thành viên đảng Cộng hòa lo mọi thứ đang đảo chiều khi vật giá leo thang.

Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ khiến giá cả giảm ngay trong ngày đầu nhậm chức. Tuy nhiên, giá cả ở Mỹ vẫn cao dù ông đã nhậm chức gần hai tháng.

Trong những lần xuất hiện trước công chúng hoặc trong các bài đăng mạng xã hội, ông Trump thường nói về nhân viên liên bang, các chương trình thị thực đa dạng của Mỹ hay chính sách đối ngoại hơn là giá tiêu dùng. Điều này trái ngược với chiến dịch tranh cử năm ngoái, khi ông coi lạm phát, vật giá leo thang là vấn đề trọng tâm để thuyết phục cử tri.

Các thành viên đảng Cộng hòa nói rằng cử tri sẵn sàng cho ông Trump có thời gian để thực hiện ưu tiên trong chương trình nghị sự, nhưng cảnh báo thiện chí đó có thể không kéo dài.

"Tôi lo lắng về điều đó. Chính quyền ông Trump cần quan tâm đến tình hình giá cả. Đó nên là ưu tiên hàng đầu. Xu hướng hiện tại hơi đáng lo ngại", Stephen Moore, cố vấn kỳ cựu của ông Trump về các vấn đề kinh tế, nói.

Tổng thống Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng trong ngày nhậm chức 20/1. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng trong ngày nhậm chức 20/1. Ảnh: AFP

Conference Board tuần trước cho biết niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ đã ghi nhận mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất trong 4 năm qua vào tháng 2. Lạm phát giá tiêu dùng cơ bản tháng 1 ở mức 3,3%, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế. Khi dịch cúm gia cầm gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi ở Mỹ, giá trứng cao đã làm tăng thêm những rắc rối kinh tế của ông Trump.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang, trong tháng 1 tăng thêm 2,5%, thấp hơn 0,1% so với mức tăng tháng 12 năm ngoái, theo Bộ Thương mại Mỹ.

"Tôi chưa thấy mọi người đổ lỗi cho ông ấy, nhưng tôi nghĩ đây là rủi ro mà Tổng thống phải đối mặt trong 3-6 tháng tới. Đó là rủi ro đối với bất kỳ chính trị gia nào", Thống đốc Georgia Brian Kemp, thành viên đảng Cộng hòa, nói.

Thống đốc Kemp nói cử tri bang Georgia nhìn chung hài lòng với những gì ông Trump đã làm từ khi nhậm chức và đổ lỗi cho chính quyền cựu tổng thống Joe Biden về lạm phát cao.

Tony Fabrizio, nhà thăm dò dư luận của ông Trump, cùng các cố vấn khác từng thường xuyên thúc giục ông Trump nói về lạm phát trong chiến dịch tranh cử, bởi họ tin đây là vũ khí chính trị tốt nhất để giành chiến thắng. Tuy nhiên, ông Trump không phải lúc nào cũng quan tâm tới chủ đề này và thậm chí từng nói rằng nó "nhàm chán".

Trong các cuộc khảo sát gần đây, Fabrizio nhấn mạnh chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri ở 18 trong số những khu vực bầu cử cạnh tranh nhất.

Rich Anderson, chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Virginia, nghĩ rằng Tổng thống đang làm mọi thứ có thể để xoay chuyển nền kinh tế, nhưng cho biết cử tri sẽ cần thấy những tác động của nỗ lực đó trong vài tháng tới.

"Ông ấy có thể phải chịu hậu quả nếu họ không thấy những thay đổi như vậy", Anderson cảnh báo.

Bất chấp những lời hứa tranh cử của ông Trump, giới quan sát nhận định các tổng thống rất khó có thể khiến vật giá giảm nhanh chóng. Giá cả trên thị trường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phức tạp, từ chuỗi cung ứng toàn cầu đến quyết định của ngân hàng trung ương.

Các chính sách đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức phần lớn tập trung vào nhập cư và cải tổ chính phủ liên bang. Dù không đề cập cụ thể về giá cả, đảng Cộng hòa cho biết một số nỗ lực trong đó có thể giúp chi phí sinh hoạt của người dân giảm xuống trong dài hạn.

Nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon nói rằng nỗ lực thúc đẩy sản xuất năng lượng của ông Trump sẽ giúp giá thành giảm, dù không thể ngay lập tức.

"Tôi nghĩ còn quá sớm để nói liệu Tổng thống có thể giúp ngăn chặn lạm phát hay không", Bacon nói, lưu ý rằng "có thể mất một thời gian" để thấy được những kết quả hữu hình.

Ông Trump nói với các nhà tài trợ rằng lạm phát sẽ giảm ngay khi những công ty khai thác dầu mỏ tăng cường công việc của họ. "Lạm phát chắc chắn là do năng lượng gây ra", ông Trump nói năm ngoái.

Quan chức chính quyền ông Trump tự tin có thể giảm giá tiêu dùng, nhưng không thể đưa ra mốc thời gian cụ thể, theo một quan chức Nhà Trắng. Người này chỉ ra nỗ lực cắt giảm ngân sách chính phủ thông qua Ban Hiệu suất Chính phủ và thu hồi các hạn chế về năng lượng là minh chứng cho những bước đầu tiên hướng tới giảm giá thành. Quan chức Nhà Trắng thêm rằng chính quyền cũng đặt mục tiêu thay đổi quy định đối với một số mặt hàng đắt đỏ như thiết bị gia dụng.

Ông Trump đã công bố loạt dự án đầu tư vào Mỹ sau khi thắng cử cuối năm ngoái, từ Apple, SoftBank, OpenAI và Meta. Các công ty này cam kết chi hàng tỷ USD ở Mỹ và tạo ra hàng nghìn việc làm, song hầu hết các dự án chưa bắt đầu.

Ông Trump tới phát biểu tại cuộc mít tinh mừng chiến thắng của phong trào MAGA tại Nhà thi đấu Capital One ở Washington hôm 19/1. Ảnh: AFP

Ông Trump tới phát biểu tại cuộc mít tinh mừng chiến thắng của phong trào MAGA tại Nhà thi đấu Capital One ở Washington hôm 19/1. Ảnh: AFP

Các nhà kinh tế cảnh báo kế hoạch áp thuế sâu rộng của ông Trump đối với hàng nhập khẩu nước ngoài có thể đẩy giá hàng hóa trong nước tăng cao hơn và khiến tình hình lạm phát thêm nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ đã áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc, áp mức thuế 25% với mặt hàng nhôm thép nhập khẩu vào Mỹ, cũng như kêu gọi nghiên cứu thuế quan "có đi có lại" đối với nước khác.

Ông Trump dự kiến thực thi mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada trong tháng tới, sau thời gian trì hoãn.

Các công ty dầu khí Mỹ đầu năm nay thuyết phục ông Trump giảm thuế nhập khẩu năng lượng của Canada xuống 10% sau khi lập luận rằng thuế quan cao sẽ khiến giá khí đốt tăng, dẫn tới chỉ số lạm phát xấu trong tháng đầu nhiệm kỳ, theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford cho rằng một phần nguyên nhân gây sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng trong tháng đầu ông Trump tại nhiệm là do các mối đe dọa về thuế quan.

Trong một bài luận gần đây, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell cảnh báo thuế quan sẽ khiến "kinh doanh ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, dẫn tới tăng chi phí tiêu dùng".

Các chiến lược gia đảng Cộng hòa cho biết hiện chưa thấy nhiều áp lực chính trị đối với chính quyền ông Trump về vấn đề kinh tế, nhưng lưu ý điều này có thể thay đổi vào mùa hè tới.

Cuộc thăm dò được Gallup thực hiện ngày 3-16/2 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri với ông Trump về kinh tế ở mức 42%, thấp hơn 6 điểm phần trăm so với số liệu cùng kỳ của nhiệm kỳ đầu.

Sau những tuần tìm cách công kích ông Trump và chủ yếu tập trung vào công việc của tỷ phú Musk, các thành viên đảng Dân chủ đã bắt đầu để ý tới vấn đề kinh tế.

"Ông Trump nói rằng sẽ giảm giá vào ngày đầu nhiệm kỳ. Nhưng đã hơn 40 ngày trôi qua và ông ấy đã chơi golf hàng chục lần, nhưng đã đến cửa hàng tạp hóa bao nhiêu lần để xem giá cả thế nào?", nghị sĩ Dân chủ Eric Swalwell viết trên mạng xã hội X cuối tuần qua.

Thùy Lâm (Theo WSJ, Newsweek, ABC News)

Đọc toàn bộ bài viết