Cách băng đảng Mexico lừa nạn nhân vào 'trại trừ khử'

2 nhiều ngày trước kia 1
ARTICLE AD BOX

Băng đảng Jalisco đăng tin tuyển dụng giả trên mạng để dụ thanh niên Mexico tới "trại trừ khử", rồi hạ sát và thủ tiêu những người chống đối.

Jalisco là một trong những băng đảng quyền lực nhất Mexico. Jalisco tách khỏi băng Sinaloa vào năm 2010, sau khi quân đội Mexico bắn chết ông trùm Ignacio "Nacho" Coronel Villarreal, rồi nhanh chóng phát triển thành thế lực lớn với 19.000 thành viên, kiểm soát địa bàn rộng bằng các chiến thuật tàn bạo.

Thủ lĩnh Jalisco là Nemesio Ruben "el Mencho" Oseguera Cervantes, kẻ bị chính phủ Mỹ truy nã với mức thưởng 15 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được ông ta.

Cả Jalisco và Sinaloa đều tranh giành quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Mexico, trong đó có biên giới phía nam giáp Guatemala. Hai băng đảng này đều nằm trong danh sách 6 nhóm tội phạm có tổ chức của Mexico và gần đây bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.

Chính quyền Mexico gần đây có bước tiến trong công cuộc trấn áp Jalisco, khi bắt được Jose Gregorio Lastra, người phụ trách khâu tuyển dụng của băng đảng. Việc bắt được Lastra cũng hé lộ cách Jalisco tuyển mộ các nạn nhân gia nhập và trừ khử những người chống đối.

Jalisco có ba phương pháp tuyển dụng, phổ biến nhất là nhắm tới các thanh niên nghèo dễ bị thu hút bởi lời chào mời về mức thu nhập cao, lối sống như mơ. Băng đảng này tiếp theo nhắm tới các cựu quân nhân và cảnh sát, những người này được đào tạo chuyên nghiệp nên khi gia nhập sẽ làm huấn luyện viên và chỉ huy. Cuối cùng, Jalisco cũng dùng hình thức cưỡng ép để bắt các nạn nhân gia nhập băng đảng.

Vệ binh quốc gia Mexico tới trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, nơi được cho từng là hang ổ của băng đảng Jalisco, ngày 13/3. Ảnh: AP

Vệ binh quốc gia Mexico tới trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, nơi được cho từng là hang ổ của băng đảng Jalisco, ngày 13/3. Ảnh: AP

Đối với hình thức tuyển dụng cưỡng ép, giới chức cho biết Jalisco sử dụng các nền tảng mạng xã hội để đăng tin tuyển dụng giả, nhiều nhất là tuyển bảo vệ với mức lương 600 USD mỗi tuần, cao hơn mặt bằng chung. Khi có ứng viên đăng ký, băng đảng sẽ đón họ đến địa điểm tập trung, rồi ép họ tham gia công việc phi pháp.

Một nạn nhân thoát khỏi hang ổ của Jalisco kể rằng họ ban đầu được thành viên băng đảng đón ở trạm xe buýt và đưa tới trang trại ở địa điểm hẻo lánh, nơi họ được huấn luyện sử dụng vũ khí, rèn luyện thể lực trong khoảng một tháng.

Bộ trưởng An ninh Công cộng Mexico Omar Garcia Harfuch cho biết trong quá trình huấn luyện tập trung này, những người từ chối làm theo hoặc có ý định bỏ trốn sẽ bị băng đảng đánh đập, tra tấn, thậm chí là giết chết rồi thủ tiêu thi thể.

Một trong những trang trại như vậy có tên Teuchitlan, nằm gần làng La Estanzuela, ngoại ô thành phố miền tây Guadalajara. Từ năm ngoái, Guerreros Buscadores de Jalisco (GBJ), nhóm tình nguyện viên tìm kiếm người mất tích ở bang Jalisco, đã nhận thông tin về việc nhiều thanh niên đến Guadalajara theo các quảng cáo tuyển dụng nhân viên bảo vệ, thợ điện hoặc nông dân, rồi mất tích.

GBJ gần đây đến trại Teuchitlan để tìm kiếm và nhận thấy nó đã bị bỏ hoang. Họ sau đó phát hiện ba lò hỏa táng ngầm với hàng trăm mảnh xương cháy sém và nhiều đôi giày cùng vật dụng cá nhân bị vứt vương vãi trong trại. Phát hiện này đã khiến dư luận Mexico rúng động và truyền thông nước này gọi đây là "trại trừ khử".

Một số người thoát khỏi trại này cho biết khi đến Guadalajara, họ kỳ vọng gặp người tuyển dụng, nhưng lại bị đưa đến trại Teuchitlan và trải qua quá trình huấn luyện như trong quân đội.

Trong thời gian này, nhiều người chết vì mất nước hoặc bị đánh đập, số khác bị thủ tiêu vì chống lệnh. Người mới đến bị buộc phải đào hố rồi xây lò hỏa táng ngầm để tiêu hủy thi thể người chết.

Một nam thanh niên mô tả trang trại là "trường sát thủ". Những ai hoài nghi mệnh lệnh từ thủ lĩnh băng đảng hay không thể vượt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt đều bị hành quyết.

"Chúng tôi muốn làm rõ rằng đây không phải là lò thiêu thông thường, mà là lò hỏa táng được sử dụng để thiêu hủy xác người", GBJ viết trên mạng xã hội. "Đây không phải sự sắp đặt hay bịa đặt, mà là điều kinh hoàng chúng tôi tìm thấy ở Teuchitlan. Chúng tôi muốn công lý được thực thi cho các nạn nhân".

Chuyên gia phân tích an ninh David Saucedo cho hay Jalisco vận hành với bộ máy từ trên xuống dưới, trong đó Oseguera là thủ lĩnh cao nhất. Dưới Oseguera là các nhóm phụ trách theo địa bàn, cùng các nhóm chịu trách nhiệm sản xuất và buôn bán ma túy.

Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) cho biết Jalisco hiện diện ở 21 trong số 32 bang của Mexico, nhiều hơn con số 19 bang của băng Sinaloa. Một số nhà phân tích còn cho rằng Jalisco thực sự hoạt động ở 25 bang. Theo DEA, băng đảng này cũng duy trì hiện diện ở khoảng 100 quốc gia.

Trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, Jalisco đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm mạnh nhất Mexico, thậm chí còn kiểm soát được một số thành trì ma túy lâu nay của Sinaloa. Băng đảng Sinaloa gần đây suy yếu do đấu đá nội bộ giữa các phe, sau khi nhiều thủ lĩnh chủ chốt bị bắt.

Chính quyền phong tỏa trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, Mexico, ngày 20/3 sau khi phát hiện hài cốt tại đây. Ảnh: AP

Chính quyền phong tỏa trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, Mexico, ngày 20/3 sau khi phát hiện hài cốt tại đây. Ảnh: AP

Vệ binh quốc gia Mexico từng đột kích trang trại hồi tháng 9/2024, bắt 10 người, giải cứu hai người bị nhốt và tìm thấy một thi thể được bọc trong túi nhựa cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Tuy nhiên, họ không phát hiện các lò thiêu ngầm cùng các thi thể bị phi tang.

Salvador Gonzalez de los Santos, tổng chưởng lý bang Jalisco, nói 10 nhân viên chính quyền đã tìm kiếm ở trang trại khi đó, dùng cả máy xúc và chó nghiệp vụ, nhưng không phát hiện thi thể nào. "Họ không thể kiểm tra toàn bộ trang trại vì nó quá rộng", ông nói.

Theo nhà nghiên cứu Flores, Jalisco thuận lợi phát triển cũng một phần nhờ sự tiếp tay của quan chức chính quyền địa phương. Sự việc ở "trại trừ khử" là ví dụ cho thấy băng đảng này có thể hoạt động tự do mà không sợ bị trừng phạt vì đã mua chuộc, hối lộ các quan chức địa phương.

Cuộc điều tra về "trại tử thần" đã đình trệ từ cuối năm ngoái, chỉ được đẩy nhanh kể từ khi GBJ công bố phát hiện của mình. Kể từ đó, chính quyền địa phương thông báo đã bắt ba cảnh sát với cáo buộc liên quan tới các vụ mất tích ở trang trại.

"Có những dấu hiệu cho thấy một số thỏa thuận ngầm với quan chức địa phương đã cho phép Jalisco hoạt động ở các bang, triệt hạ các đối thủ, đôi khi còn nhận sự trợ giúp từ lực lượng an ninh", Flores nói.

Ngọc Ánh (Theo AP, WP)

Đọc toàn bộ bài viết