Cá mập 'kêu cứu' bằng âm thanh lạ

7 nhiều giờ trước kia 3
ARTICLE AD BOX

Các nhà khoa học vừa công bố một khám phá bất ngờ, hé lộ khả năng đặc biệt của một số loài cá mập: chúng phát ra âm thanh khi cảm thấy bị đe dọa.

cá mập - Ảnh 1.

Một con cá mập chanh ở ngoài khơi Jupiter, Florida, Mỹ - Ảnh: AFP-Jiji

Nghiên cứu, do Giáo sư Éric Parmentierd đến từ Đại học Liège (ULiège, Bỉ) cùng các đồng nghiệp quốc tế từ New Zealand và Mỹ phối hợp thực hiện, đã mở ra góc nhìn mới về hành vi giao tiếp tiềm ẩn ở cá mập.

Theo công bố trên tạp chí khoa học "Royal Society Open Science", các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được khả năng phát ra âm thanh "lách tách" ở loài cá nhám sao (Scyliorhinus stellaris) khi chúng cảm thấy bị tác động.

Khám phá tình cờ này xuất phát từ một thí nghiệm ban đầu tập trung vào khả năng thính giác của cá mập. Theo Giáo sư Parmentier, trong quá trình thực hiện các thao tác trong bể cá với một loài cá mập cụ thể, nhóm nghiên cứu bất ngờ nhận thấy khi cầm chúng lên, chúng bắt đầu phát ra những âm thanh lạ.

Điều đáng chú ý là sau vài giây phát âm, chúng lại trở về trạng thái bình tĩnh. Đây là lần đầu tiên hiện tượng độc đáo này được ghi nhận trong giới khoa học.

Các nhà khoa học dự đoán nguồn gốc của những âm thanh này nằm ở cấu trúc đặc biệt của răng cá nhám sao. Khác với hàm răng sắc nhọn thường thấy ở đa số các loài cá mập, răng của loài này có hình dạng dẹt và xếp chồng lên nhau, tương tự như răng của cá đuối.

Theo phân tích của Đại học Liège, cấu trúc này có thể tạo ra âm thanh rít do sự cọ xát giữa hai hàm, từ đó hình thành nên những tiếng "lách tách" đặc trưng.

Mặc dù các nhà nghiên cứu thận trọng cho rằng đây chưa chắc chắn là một hình thức giao tiếp phức tạp, nhưng họ tin rằng những âm thanh này có thể đóng vai trò như một phản ứng tự vệ. Chúng có thể là một tín hiệu cầu cứu khi bị đe dọa hoặc một phương thức để làm đối phương giật mình, tạo cơ hội trốn thoát cho con mồi.

Theo giả thuyết của nhóm nghiên cứu, việc tạo ra âm thanh hoặc thay đổi màu sắc là những chiến thuật phổ biến mà động vật sử dụng để gây bất ngờ và làm xao nhãng kẻ săn mồi. Đôi khi, chỉ một khoảnh khắc mất tập trung của kẻ săn mồi cũng đủ để con mồi tẩu thoát. Một số loài cá cũng có hành vi tương tự.

Khám phá này đã bổ sung thêm một mảnh ghép thú vị vào bức tranh đa dạng về phương thức giao tiếp của các loài sinh vật biển.

Từ lâu, giới khoa học đã biết đến khả năng "hát" của cá voi, tiếng "click" định vị của cá heo hay nhiều hình thức giao tiếp bằng âm thanh khác của các loài động vật biển có vú. Tuy nhiên, việc phát hiện khả năng tương tự ở một loài cá mập đã mở ra hướng nghiên cứu mới đầy hứa hẹn.

Trong tương lai, Giáo sư Parmentier và nhóm của ông hy vọng sẽ tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để xác định ý nghĩa sinh học chính xác của những tiếng "lách tách" này. Một trong những mục tiêu quan trọng là kiểm chứng liệu hành vi này có xảy ra trong môi trường sống tự nhiên của cá mập hay không.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Chuyển sao tặng cho thành viên

  • x1
  • x5
  • x10

Hoặc nhập số sao

Đọc toàn bộ bài viết