Biến cố khiến Mỹ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống

1 ngày trước kia 2
ARTICLE AD BOX

Việc tổng thống Roosevelt qua đời khi vừa bước vào nhiệm kỳ thứ 4 khiến các nghị sĩ Mỹ phải đặt câu hỏi về thời gian nắm quyền của người đứng đầu Nhà Trắng.

Năm 1940, gần như cả nước Mỹ rơi vào khủng hoảng và không mong gì hơn ngoài một liều thuốc tinh thần. Đang chật vật ngoi lên từ cuộc Đại suy thoái, vẫn còn mang trong mình nỗi đau mất mát từ Thế chiến I và rùng mình trước cảnh Thế chiến II đang lan rộng khắp châu Âu, người dân Mỹ chỉ muốn thu mình lại, quây quần bên lò sưởi và trò chuyện với tổng thống được yêu mến của họ.

 AP

Tổng thống Franklin D. Roosevelt trong buổi trò chuyện "bên lò sưởi" đầu tiên trên đài phát thanh tại Washington vào năm 1933. Ảnh: AP

Kể từ khi tổng thống đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt mở ra chương trình "trò chuyện bên lò sưởi" trên đài phát thanh vào năm 1933 để trấn an những người dân lo âu về cuộc Đại suy thoái cũng như giải thích các chính sách của chính quyền, cử tri Mỹ đã hình thành sợi dây gắn kết chưa từng có với ông. Khi ông chạy đua vào Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ ba, ổn định đất nước là chủ đề tranh cử chính.

"Tôi đã nói điều này trước đây, nhưng tôi sẽ nói đi nói lại nhiều lần nữa: Con trai của các bạn sẽ không bị đưa vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở nước ngoài", tổng thống Roosevelt phát biểu khi vận động tranh cử tại Boston ngày 30/10/1940. "Họ đang được huấn luyện để tạo nên một lực lượng mạnh mẽ đến mức, bằng chính sự tồn tại của mình, họ sẽ giữ mối đe dọa chiến tranh tránh xa chúng ta".

Ông sau đó giành chiến thắng vang dội với 54,7% số phiếu bầu trước ứng viên đảng Cộng hòa Wendell L. Willkie trong cuộc bầu cử ngày 5/11/1940.

4 năm sau, ông tiếp tục tranh cử và giành chiến thắng, trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ phục vụ 4 nhiệm kỳ. Nhưng nhiệm kỳ thứ tư của tổng thống Roosevelt lại kết thúc sớm, khi ông qua đời vào ngày 12/4/1945 vì xuất huyết não, chỉ hơn hai tháng sau khi nhậm chức.

Cái chết của ông khiến các cuộc thảo luận về giới hạn nhiệm kỳ trở nên cấp bách và hiện tại, nó lại được đốt nóng khi Tổng thống Donald Trump nêu ý tưởng về việc chạy đua cho nhiệm kỳ thứ ba.

Thực tế, ý tưởng về giới hạn nhiệm kỳ tổng thống đã có từ thời George Washington, người từng nêu rõ rằng việc "ngăn chặn một vị vua hay Caesar lãnh đạo một quốc gia non trẻ" là nguyên tắc cơ bản. Ông rời ghế sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách tổng thống được bầu cử dân chủ.

Tổng thống Thomas Jefferson cũng đồng tình và làm theo. Ông tự nguyện từ chức sau nhiệm kỳ thứ hai, giải thích rằng việc làm tổng thống liên tục sẽ khiến công việc này "trước tiên trở thành chức vụ trọn đời và sau đó là khiến nó có tính cha truyền con nối".

Mặc dù tổng thống Ulysses S. Grant và Theodore Roosevelt từng ngụ ý rằng họ sẽ theo đuổi nhiệm kỳ thứ ba, Mỹ đã chứng kiến 164 năm các lãnh đạo tuân theo tấm gương của Washington cho đến khi Roosevelt được bầu với 4 nhiệm kỳ.

Trong bài báo ngày 16/2/1947 về cuộc tranh luận liên quan đến giới hạn nhiệm kỳ, tờ Los Angeles Times lưu ý rằng có khoảng 140 đề xuất hạn chế quyền lực tổng thống đã được đưa ra giữa nhiệm kỳ thứ hai của Washington và nhiệm kỳ thứ ba của Roosevelt.

"Các thành viên Hội nghị Lập hiến lo sợ về chế độ chuyên quyền", hạ nghị sĩ Cộng hòa Chauncey Reed lập luận trước Hạ viện năm 1947, sau khi Tu chính án thứ 22 quy định một người chỉ được bầu tối đa hai nhiệm kỳ tổng thống được đề xuất.

Sau 4 lần thất bại bầu cử trước Roosevelt, phe Cộng hòa muốn thay đổi hiến pháp và giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Quan điểm này được một số đảng viên Dân chủ ở miền Nam bảo thủ ủng hộ.

Nhưng các đảng viên Dân chủ khác, sau quãng thời gian dài tổng thống Roosevelt cầm quyền, lại trở thành những người kiên định với chủ nghĩa nguyên bản hiến pháp và không muốn thay đổi nó.

Chủ nghĩa nguyên bản hiến pháp là một học thuyết pháp lý cho rằng việc giải thích hiến pháp nên dựa trên hiểu biết ban đầu tại thời điểm văn kiện được thông qua. Những người theo chủ nghĩa này cho rằng ý nghĩa của hiến pháp Mỹ là cố định và không nên thay đổi theo thời gian.

"Tôi nhớ rất rõ những người bạn Cộng hòa của tôi từng không ít lần kêu gọi 'bảo vệ hiến pháp'. Nhiều tuyên bố đã được họ đưa ra, những giọt nước mắt có thể đã rơi, vì hiến pháp", hạ nghị sĩ Dân chủ bang Illinois Adolph J. Sabath lúc bấy giờ nói, chế giễu nỗ lực sửa đổi hiến pháp của đảng Cộng hòa khi vận động bỏ phiếu cho "nghị quyết chống Roosevelt".

 Franklin D. Roosevelt Presidential Library & Museum

Tấm biển ủng hộ tổng thống Roosevelt tranh cử nhiệm kỳ thứ tư tại New York năm 1944. Ảnh: Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Franklin D. Roosevelt

Hạ nghị sĩ Dân chủ John McCormack cho rằng Tu chính án thứ 22 sẽ hạn chế cử tri trong các tình huống thời chiến mà họ cần một tổng thống lãnh đạo liên tục, không gián đoạn.

"Tất nhiên, chúng ta đã có trải nghiệm này, nhưng tôi có thể hình dung ra viễn cảnh một, hai hoặc ba thế hệ sau nữa, khi người Mỹ bị cuốn vào một cuộc chiến mà họ bị dồn vào chân tường", McCormack nói. "Chúng ta sẽ không còn ở đây nữa. Chúng ta lúc đó đã qua đời hết rồi. Nhưng chúng ta sẽ áp đặt lệnh cấm này lên họ. Họ có thể bị dồn vào chân tường với một tổng thống sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai".

Nhưng cái chết của tổng thống Roosevelt dường như đã tăng thêm sự ủng hộ cho đảng Cộng hòa. Tu chính án thứ 22 được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1947 và được nghị viện các bang phê chuẩn vào ngày 27/2/1951.

Tu chính án thứ 22 quy định: "Không người nào được giữ vị trí Tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Người đã giữ vị trí tổng thống hoặc quyền tổng thống hơn hai năm trong nhiệm kỳ của người khác không được bầu vào vị trí tổng thống thêm quá một nhiệm kỳ".

Kể từ đó, các nghị sĩ Mỹ đã không ít lần tìm cách bãi bỏ tu chính án này, như trong nỗ lực nhằm giúp tổng thống Ronald Reagan tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1988 hay chiến dịch kêu gọi hủy bỏ Tu chính án thứ 22 để bầu lại cho Bill Clinton năm 2000.

Thông thường, các nghị sĩ sẽ tìm cách giúp đảng của họ nắm quyền và duy trì quyền kiểm soát. Tuy nhiên, câu chuyện không phải lúc nào cũng như vậy.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Steny H. Hoyer năm 2005 nói rằng ông không phải người ủng hộ tổng thống George W. Bush nhưng vẫn "thấy có những lý do hợp lý liên quan đến chính sách công để xóa bỏ" Tu chính án thứ 22.

"Việc giới hạn số nhiệm kỳ mà một tổng thống có thể phục vụ đã không được các nhà lập quốc thảo luận đầy đủ", ông viết, trích dẫn bài luận của nhà lập quốc Alexander Hamilton, trong đó lập luận rằng cử tri nên có quyền quyết định liệu họ có muốn một lãnh đạo tiếp tục tại vị hay không.

Dwight D. Eisenhower, cựu chỉ huy quân đội và tổng thống cực kỳ được lòng đảng Cộng hòa, từng cân nhắc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1960, nhưng đã không thể thực hiện vì Tu chính án thứ 22. Một số nhà sử học nói rằng Tu chính án thứ 22 là "đòn nhắm vào Roosevelt, nhưng nó lại đánh trúng Eisenhower".

Ngay sau khi Tu chính án thứ 22 được phê chuẩn, Eisenhower đã nói rằng giới hạn nhiệm kỳ không "hoàn toàn sáng suốt". Ông tin cử tri "nên có quyền chọn bất kỳ ai mà họ muốn làm tổng thống, bất kể số nhiệm kỳ của người đó".

Trong một cuộc họp báo vào tháng 1/1960, khi được hỏi về động lực ủng hộ của mình đối với chiến dịch tranh cử của phó tổng thống Richard M. Nixon, Eisenhower cho hay điều duy nhất ông biết là ông "không thể ra tranh cử". Câu trả lời khiến cả đoàn báo chí bật cười.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)

Đọc toàn bộ bài viết