Bệnh viện Nhi Wisconsin tại Milwaukee đã vô tình vứt bỏ não của bệnh nhân mắc căn bệnh Canavan - Ảnh: Milwaukee Journal Sentinel
Tờ Independent đưa tin ngày 8-5 cho biết Bệnh viện Nhi Wisconsin đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi vô tình vứt bỏ não hiến tặng của một phụ nữ trẻ.
Đáng nói, người phụ nữ này đã trải qua các phương pháp điều trị gen tiên phong cho căn bệnh Canavan - một căn bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp và các nhà nghiên cứu đang đặt nhiều hy vọng trong việc nghiên cứu não của cô.
Được biết, bệnh nhân tên Ashtyn Fellenz, qua đời tại Bệnh viện Nhi Wisconsin ở tuổi 24 vì bệnh Canavan. Khi còn nhỏ, cô là một trong số ít bệnh nhân đầu tiên được điều trị thử nghiệm bằng liệu pháp gen - một phương pháp tiên phong nhằm thay thế gen bị lỗi.
Dù không thể chữa khỏi, phương pháp này giúp cô Ashtyn kéo dài tuổi thọ hơn 10 năm so với dự đoán, trở thành biểu tượng hy vọng cho các gia đình có con mắc căn bệnh này.
Sau cái chết của con gái, cha mẹ cô Ashtyn quyết định hiến tặng bộ não của cô để phục vụ nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Paola Leone, một chuyên gia hàng đầu về bệnh Canavan tại Đại học Rowan, đã mong chờ để nhận mẫu não.
Bà hy vọng có thể nghiên cứu bộ não để hiểu rõ hơn tác động thực sự của liệu pháp gen đối với cấu trúc và tế bào thần kinh não người.
Tuy nhiên, điều không tưởng đã xảy ra. Do quy trình làm đơn hiến tặng gặp nhiều trục trặc, bệnh viện yêu cầu người nhà phải điền lại một mẫu đơn mới.
Trong lúc chờ đợi tiến hành quy trình, bộ não không được chuyển đến Tiến sĩ Leone mà do bệnh viện giữ.
Phải đến tháng 3, ba tháng sau cái chết của cô Ashtyn, mẹ cô mới gọi điện trực tiếp để yêu cầu câu trả lời từ bệnh viện. Khi đó, gia đình mới sững sờ biết rằng một nửa bộ não đã "vô tình bị vứt bỏ".
“Họ đã vứt não của con gái tôi đi. Làm sao người ta có thể làm vậy với một bộ não - cả một di sản như thế?” - bà Arlo, mẹ cô Ashtyn nghẹn ngào nói.
Một nửa bộ não còn lại đã được chuyển tới Living BioBank ở Ohio, tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết phần bị vứt bỏ mới chính là phần mang lại thông tin then chốt.
Bệnh viện Nhi Wisconsin đã thừa nhận sai sót trong quy trình và gửi lời xin lỗi tới gia đình bệnh nhân. Họ khẳng định sẽ khắc phục quy trình lưu trữ mô hiến tặng để tránh sự việc tương tự.
Tuy nhiên, với gia đình cô Ashtyn và cộng đồng khoa học, mất mát này là không thể bù đắp. “Chúng tôi cảm thấy như mất con gái một lần nữa. Đây không chỉ là sự mất mát của gia đình chúng tôi, mà còn là mất mát của bao thế hệ bệnh nhân tương lai” - gia đình Fellenz chia sẻ.
Gia đình hiện đã thuê luật sư và khẳng định sẽ dành toàn bộ khoản bồi thường (nếu có) để hỗ trợ nghiên cứu về bệnh Canavan, như một cách để cô Ashtyn tiếp tục đóng góp cho y học cả khi cô đã ra đi.