Bên trong vùng thảm họa động đất Mandalay

1 ngày trước kia 2
ARTICLE AD BOX

MyanmarTường nhà nứt toác, đổ sập, thiếu phương tiện và nhân lực cứu nạn, người dân và bệnh nhân ngủ ngoài trời, là tình hình sau động đất ở Mandalay.

Gần như mọi tuyến đường ở Mandalay, đặc biệt ở phía bắc và trung tâm thành phố lớn thứ hai của Myanmar, có ít nhất một tòa nhà đổ sập hoàn toàn. Một số tuyến phố có hàng loạt công trình chỉ còn là đống đổ nát. Hầu như tòa nhà nào cũng vết nứt chạy dọc tường, không đủ an toàn để ở bên trong. Tại bệnh viện chính của thành phố, bệnh nhân phải ở ngoài trời.

Nan Sin Hein chờ tin con trai bên ngoài tòa nhà 5 tầng màu trắng nghiêng ngả phía sau ở Mandalay hôm 2/4. Ảnh: BBC

Nan Sin Hein chờ tin con trai bên ngoài tòa nhà 5 tầng màu trắng nghiêng ngả phía sau ở Mandalay hôm 2/4. Ảnh: BBC

"Tôi hy vọng cháu còn sống, dù chỉ là cơ hội mong manh", Nan Sin Hein, 41 tuổi, đợi bên ngoài con phố đối diện tòa nhà 5 tầng bị sập hôm 2/4, 5 ngày sau khi xảy ra động đất, nói.

Sai Han Pha, 21 tuổi, con trai cô, là công nhân xây dựng, đang sửa chữa nội thất tòa nhà từng là khách sạn đang được chuyển đổi thành văn phòng làm việc.

"Nếu họ cứu được cháu hôm nay, cháu còn cơ hội sống sót", cô nói.

Khi trận động đất 7,7 độ xảy ra, phần dưới của tòa nhà sụp xuống lòng đất, phần trên cùng nghiêng một góc hình tam giác với mặt đường, như thể sẵn sàng đổ sập bất kỳ lúc nào.

Sai Han Pha và 4 công nhân mắc kẹt bên trong, không có lực lượng cứu nạn nào tới tìm kiếm. Nội chiến khiến quân đội Myanmar không thể tập trung toàn bộ nguồn lực vào công tác cứu nạn, chỉ có thể tập trung ở một số địa điểm quan trọng.

Cho tới nay, công tác cứu nạn dường như chỉ tập trung tại các công trình được đánh giá có nhiều người mắc kẹt như chung cư cao tầng Sky Villa, nơi sinh sống của hàng trăm người và học viện Phật giáo U Hla Thein, nơi hàng chục nhà sư đang làm bài thi lúc động đất xảy ra.

Neeraj Singh, lãnh đạo nhóm ứng phó thảm họa động đất do Ấn Độ cử sang Myanmar đang triển khai cứu nạn ở học viện, cho hay công trình đổ sập như một chiếc bánh kếp, lớp này chống lên lớp khác.

"Đây là kết cấu sập khó cứu nạn nhất và khả năng tìm thấy người sống sót rất thấp. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng và cố gắng hết sức", ông nói.

Công tác cứu nạn diễn ra dưới cái nóng gần 40 độ C ngày 2/4. Ảnh: BBC

Công tác cứu nạn diễn ra dưới cái nóng gần 40 độ C ngày 2/4. Ảnh: BBC

Dưới cái nắng oi ả và nhiệt độ gần 40 độ C, họ sử dụng máy khoan cắt kim loại, cắt các tấm bê tông thành những mảnh nhỏ hơn. Công việc rất chậm và vất vả. Khi cần cẩu nâng mảnh bê tông lên, mùi tử thi bốc lên nồng nặc. Lực lượng cứu nạn phát hiện 4-5 thi thể, nhưng mất tới vài tiếng mới kéo được thi thể đầu tiên ra ngoài.

Ngồi trên chiếu trong chiếc lều tạm bợ ở khuôn viên học viện là các gia đình học viên với gương mặt mệt mỏi và chán nản. Mỗi khi nghe tin tìm thấy thi thể, họ lại xúm vào gần xe cứu thương, tụ tập xung quanh một nhân viên cứu hộ xem ảnh thi thể trên điện thoại của anh. Từng phút trôi qua trong bầu không khí đau khổ, khi họ cố gắng nhận diện người chết có phải thân nhân của mình hay không. Nhiều thi thể bị biến dạng tới mức không thể nhận ra và được đưa tới nhà xác, nơi sẽ xét nghiệm pháp y để xác nhận danh tính.

Ông U Hla Aung cho rằng con trai U Thuzana, 29 tuổi, khó có khả năng sống sót. "Tôi rất buồn, đau đớn khôn nguôi khi cuộc đời con trai kết thúc như thế này", ông nói, gương mặt nhăn lại vì đau khổ.

Nhiều di tích lịch sử ở Mandalay cũng bị thiệt hại nghiêm trọng như Cung điện Mandalay và Chùa Maha Muni. Gần chùa, người ta tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo bên ngoài một ngôi nhà bị phá hủy. Đó là nhà của U Hla Aung Khaing và vợ, Daw Mamarhtay, hai người ngoài 60 tuổi.

"Tôi sống cùng cha mẹ nhưng ở bên ngoài lúc xảy ra động đất nên sống sót, còn cha mẹ tôi mất cùng lúc", con trai ông bà nói. Người dân địa phương mất hai ngày mới đưa được thi thể họ ra bằng các thiết bị thô sơ. Họ khoác tay nhau khi ra đi.

 BBC

Bức ảnh của ông U Hla Aung Khaing và vợ, Daw Mamarhtay. Ảnh: BBC

Chính quyền Myanmar ngày 3/4 thông báo ghi nhận hơn 3.000 người chết vì động đất, vẫn còn nhiều điểm chưa thể tiếp cận nên con số này có thể tăng lên.

Công viên và không gian công cộng ở Mandalay biến thành nơi ở tạm thời. Người dân trải chiếu và đệm ra ngủ ngoài trời khi màn đêm ập xuống. Hàng chục nghìn người không có nhà để trở về. Cả thành phố sống trong thấp thỏm, bởi kể từ 28/3, đêm nào cũng có dư chấn lớn xảy ra.

"Tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Tôi vẫn sợ khi nhớ lại khoảnh khắc động đất", Daw Khin Saw Myint, 72 tuổi, đang đứng xếp hàng chờ nhận nước cùng cháu gái nhỏ, nói. "Chúng tôi chạy được ra ngoài nhưng nhà sập hết. Tôi đang sống dưới một tán cây".

Bà làm nghề giặt thuê, nuôi con trai bị khuyết tật. "Bây giờ tôi sẽ sống ở đâu? Tôi đang vô cùng khó khăn. Tôi đang sống cạnh một bãi rác. Có người cho tôi gạo và ít quần áo. Chúng tôi không kịp mang theo bất kỳ thứ gì, mặc nguyên quần áo trên người chạy ra ngoài khi động đất", bà nói.

 BBC

Daw Khin Saw Myint, 72 tuổi và cháu gái. Ảnh: BBC

"Không ai cứu giúp chúng tôi cả, xin hãy giúp chúng tôi", bà khóc, nước mắt lăn dài trên má.

Một người phụ nữ lớn tuổi khác vừa khóc vừa nói chen vào: "Hôm nay vẫn chưa có ai phân phát đồ ăn, nên chúng tôi chưa có gì bỏ bụng".

Một số xe tiếp tế đều là xe tải nhỏ, hàng hóa có hạn, thường do cá nhân hoặc tổ chức địa phương quyên góp. Số lượng không đủ nên thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng tranh giành.

Một số khoa của bệnh viện lớn ở Mandalay bị hư hại, giường bệnh được đưa ra ngoài trời. Shwe Gy Thun Phyo, 14 tuổi, bị chấn thương sọ não, mắt sưng huyết. Cô bé vẫn tỉnh táo nhưng không phản ứng, bên cạnh là người cha đang chăm sóc.

Số lượng y bác sĩ không đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, khiến người nhà phải làm thay việc của nhân viên y tế. Zar Zar bị chướng bụng do chấn thương bụng nghiêm trọng. Con gái bà ngồi sau đỡ mẹ, quạt cho mẹ bớt nóng.

 BBC

Người nhà chăm sóc bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện chính ở Mandalay. Ảnh: BBC

Cơ hội tìm thấy người sống sót ngày càng thấp. Nan Sin Hein ban đầu tỏ ra bình tĩnh nhưng bây giờ đang chuẩn bị đối mặt với kết cục xấu nhất.

"Tôi đau lòng quá. Con trai tôi rất yêu mẹ và các em gái. Cháu phải vất vả làm việc để nuôi chúng tôi", cô nói. "Tôi chỉ hy vọng được nhìn thấy mặt con dù cháu có chết. Tôi muốn nhìn thấy xác con. Tôi muốn họ làm hết sức để tìm thấy xác cháu".

Hồng Hạnh (Theo BBC)

Đọc toàn bộ bài viết