Bên trong nhà máy sản xuất tên lửa bằng robot của Trung Quốc

4 nhiều giờ trước kia 1
ARTICLE AD BOX

Thứ bảy, 10/5/2025, 20:40 (GMT+7)

Truyền thông Trung Quốc đăng video dây chuyền robot chuyên sản xuất tên lửa PL-15E, loại vũ khí được sử dụng trong xung đột Ấn Độ - Pakistan gần đây.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 8/5 phát lại video từng đăng vào tháng 7/2024, trong đó cho thấy dây chuyền sản xuất hoàn toàn bằng robot của PL-15E, phiên bản xuất khẩu của tên lửa đối không tầm xa nội địa PL-15.

Trong video, các cánh tay robot thực hiện gần như mọi công đoạn trong quy trình sản xuất tên lửa, trong đó có lắp ráp linh kiện, hàn và kiểm tra chất lượng. Công nhân không xuất hiện trong dây chuyền này, chỉ có các kỹ sư giám sát quá trình.

Các chuyên gia trong video cho biết việc chuyển sang "sản xuất thông minh" giúp Trung Quốc có thể chế tạo vũ khí 24/24 một cách hoàn toàn tự động, trong đó có tên lửa đối không. Những hệ thống phục vụ quy trình này được thiết kế để sản xuất nhiều loại tên lửa khác nhau, giúp tăng tốc độ cho ra sản phẩm và giảm thiểu chi phí.

Bên trong nhà máy sản xuất tên lửa hoàn toàn bằng robot của Trung Quốc

Dây chuyền sản xuất tên lửa PL-15E của Trung Quốc trong video đăng ngày 8/5. Video: CCTV

"Dây chuyền sản xuất linh hoạt của chúng tôi tại Học viện Tên lửa Không quân Trung Quốc có khả năng tự động nhận diện linh kiện, lắp đặt, hàn và kiểm tra chất lượng", Yao Changhong, giám đốc phụ trách thiết bị điện tại Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), nói.

"Chỉ cần chuẩn bị nguyên vật liệu và chạy phần mềm, toàn bộ quy trình sẽ vận hành tự động mà không cần con người can thiệp", bà nói thêm.

Theo chú thích trên video, dây chuyền sản xuất này có thể điều chỉnh công suất tùy theo nhu cầu, hỗ trợ sản xuất nhỏ lẻ và nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Video được CCTV đăng lại sau khi xuất hiện thông tin không quân Pakistan đã sử dụng tên lửa PL-15E mua từ Trung Quốc để hạ 5 chiến đấu cơ Ấn Độ, trong đó có ba tiêm kích hiện đại Rafale, trong trận không chiến hôm 7/5.

Nhiều mảnh vỡ của quả đạn này được phát hiện cùng ngày ở ít nhất hai địa điểm, trong đó có cánh đồng ở thành phố Hoshiarpur thuộc bang Punjab, miền bắc Ấn Độ. Truyền thông Ấn Độ hôm 9/5 cũng cho biết quân đội nước này đã thu được tên lửa đối không PL-15E còn gần như nguyên vẹn, do tiêm kích Pakistan khai hỏa trong trận không chiến ngày 7/5.

Là tên lửa đối không thế hệ 4 được Trung Quốc phát triển trong một thập kỷ qua, PL-15E có tầm bắn 145 km, được trang bị tính năng giúp kéo dài thời gian hoạt động của động cơ, tăng tốc độ bay và khả năng cơ động trong pha cuối. Trong khi đó, AIM-120C/D, tên lửa đối không cùng thế hệ của Mỹ, có tầm bắn khoảng 120 km.

 China Arms

Tên lửa PL-15E và một số tên lửa khác tại triển lãm hàng không Chu Hải ở Trung Quốc năm 2021. Ảnh: China Arms

Khi kết hợp với radar có tầm phát hiện khoảng 250 km trên tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất, tên lửa PL-15E sẽ có khả năng bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách xa. Điều này giúp cải thiện khả năng sống sót của tiêm kích, do nó không cần phải đến gần mục tiêu để tung đòn đánh, theo CCTV.

Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar cho biết không quân nước này đã dùng tiêm kích J-10C để "hạ 3 chiếc Rafale và phi cơ khác", song không nói có sử dụng tên lửa PL-15E không.

Sau vài ngày giao tranh, Pakistan và Ấn Độ hôm nay thông báo đã đạt thỏa thuận ngừng bắn "toàn diện và ngay lập tức" dưới sự trung gian của Mỹ. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á.

Phạm Giang (Theo CNN, War Zone)

Đọc toàn bộ bài viết