Anh sẽ nâng yêu cầu về ngôn ngữ với mọi tuyến nhập cư

8 nhiều giờ trước kia 2
ARTICLE AD BOX

Thứ hai, 12/5/2025, 17:48 (GMT+7)

Anh siết kiểm tra năng lực ngôn ngữ với mọi trường hợp nhập cư và siết quy định về cấp tư cách thường trú cho người nước ngoài.

"Khi người nước khác vào đất nước chúng ta, họ cần cam kết hội nhập và học ngôn ngữ của chúng ta", Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu ngày 12/5, khi công bố Sách trắng Nhập cư và kế hoạch cải cách toàn diện chính sách biên giới.

Ông cho biết chính phủ sẽ "nâng yêu cầu về tiếng Anh đối với mọi tuyến nhập cư nhằm đảm bảo những ai mong muốn sống và làm việc ở đây phải nói được tiếng Anh ở tiêu chuẩn cao". Ông đồng thời cảnh báo nước Anh đang dần trở thành "hòn đảo của những người xa lạ, thay vì một đất nước cùng hướng về tương lai".

Anh sẽ siết chặt yêu cầu về năng lực tiếng Anh đối với người nước ngoài xin visa lao động. Yêu cầu hiện tại ở mức tương đương GCSE (Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) của học sinh 15-16 tuổi ở Anh.

Người xin visa phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương A-level của học sinh 16-18 tuổi, tức trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu. Trình độ này yêu cầu người học có khả năng diễn đạt "trôi chảy và tự nhiên mà không phải mất nhiều thời gian tìm từ", cũng như giao tiếp một cách "linh hoạt và hiệu quả" bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, người phụ thuộc trưởng thành cũng sẽ phải chứng minh được năng lực tiếng Anh cơ bản, đảm bảo họ có thể hội nhập, tìm việc làm và tránh bị lợi dụng sức lao động. Đây là lần đầu tiên Anh đưa ra quy định như vậy.

Thủ tướng Anh Keir Starmer họp báo ngày 12/5 ở London, thông báo cải cách chính sách nhập cư. Ảnh: AP

Thủ tướng Anh Keir Starmer họp báo ngày 12/5 ở London, thông báo cải cách chính sách nhập cư. Ảnh: AP

Theo chuyên gia Madeleine Sumption từ Đại học Oxford, quy định mới về năng lực tiếng Anh có thể ảnh hưởng đáng kể lên số người nhập cư vào Anh. Visa dành cho người phụ thuộc chiếm hơn một nửa số visa cấp cho những hồ sơ lao động tay nghề cao nhập cư vào Anh trong 4 năm qua.

Phe đối lập và các tổ chức nhân quyền lo ngại chính sách này sẽ làm chia cắt gia đình người nhập cư, đặc biệt là những trường hợp vợ chồng hoặc bố mẹ của người xin visa gặp khó khăn khi học tiếng Anh. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2021 của Tổ chức Quan sát Nhập cư thuộc Đại học Oxford cho thấy cứ 10 người đến Anh thì có 9 người sử dụng tốt tiếng Anh. Bản thân người nhập cư vào Anh cũng nhận thức rằng họ cần sử dụng thành thạo ngôn ngữ của nước sở tại.

Khoảng 1% người nhập cư tham gia nghiên cứu của trường Oxford cho biết họ không biết tiếng Anh và chịu rủi ro thất nghiệp cao.

Thủ tướng Anh nhấn mạnh cuộc cải cách chính sách nhập cư sẽ hướng đến một hệ thống mới "có kiểm soát, mang tính chọn lọc và đảm bảo công bằng".

Khu vực kiểm soát nhập cảnh trong sân bay quốc tế Heathrow, thủ đô London của Anh, tháng 12/2024. Ảnh: AFP

Khu vực kiểm soát nhập cảnh trong sân bay quốc tế Heathrow, thủ đô London của Anh, tháng 12/2024. Ảnh: AFP

Ngoài ra, cuộc cải cách chính sách nhập cư sẽ có biện pháp chấm dứt cơ chế mặc định xét cấp tư cách thường trú cho người nước ngoài sau 5 năm sống và làm việc tại Anh. Người nhập cư phải ở Anh ít nhất 10 năm để bắt đầu xin thường trú và hướng tới xin quốc tịch.

Gói cải cách còn bao gồm đẩy mạnh trục xuất tội phạm, khuyến khích nhà tuyển dụng ưu tiên đào tạo người Anh và yêu cầu bằng cấp nghiêm ngặt hơn với người lao động nước ngoài. Anh cũng sẽ siết quy định ở lại đối với du học sinh đã hoàn tất chương trình đào tạo.

Chính phủ sẽ đẩy nhanh cấp thường trú cho người nhập cư thuộc một số ngành nghề đặc biệt như y tá, kỹ sư, chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) và những trường hợp "đóng góp thực chất cho sự phát triển và xã hội Anh".

Nỗ lực cải cách chính sách nhập cư lần này sẽ "đoạn tuyệt với cách làm việc cũ kỹ" và hướng đến "mô hình dựa trên đóng góp" cho kinh tế và xã hội Anh, theo Thủ tướng Starmer.

Ông nhấn mạnh cư trú ở Anh phải được nhìn nhận là "đặc quyền do phấn đấu mà có được, không phải quyền lợi hiển nhiên".

Thanh Danh (Theo BBC, Sky News, Guardian)

Đọc toàn bộ bài viết