ARTICLE AD BOX
Quân đội Ấn Độ thu được tên lửa đối không PL-15E còn gần như nguyên vẹn, được tiêm kích Pakistan khai hỏa trong trận không chiến ngày 7/5.
Hãng tin IANS của Ấn Độ hôm 9/5 cho biết một tên lửa không đối không tầm xa PL-15E của quân đội Pakistan đã được tìm thấy trong trạng thái tương đối nguyên vẹn gần làng Kamahi Devi ở quận Hoshiarpur, bang Punjab, miền bắc nước này.
Hình ảnh hiện trường cho thấy phần lớn thân tên lửa vẫn nguyên vẹn, với đầy đủ cánh lái và cánh nâng. Phần đầu quả đạn bị vỡ, bộ phận nghi là hệ thống dẫn đường nằm gần đó.
Binh sĩ Ấn Độ tại hiện trường tên lửa PL-15E rơi ngày 9/5. Video: X/Kunal Biswas 707
Binh sĩ không quân Ấn Độ có mặt ở vị trí tên lửa rơi, sau khi nhận thông tin từ dân làng. "Các quân nhân sơ tán người dân khỏi hiện trường, vô hiệu hóa và hủy nổ quả đạn", IANS cho biết.
Tuy nhiên, video được đăng trên mạng xã hội cho thấy các binh sĩ Ấn Độ phong tỏa khu vực và chụp ảnh quả đạn. Không có dấu hiệu nào cho thấy nó bị tác động hoặc phá hủy sau đó.
Joseph Trevithick, biên tập viên của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, nhận định tiêm kích Pakistan đã sử dụng chế độ bắn và quên khi phóng tên lửa PL-15E.
Trong chế độ này, máy bay sẽ phát hiện mục tiêu bằng radar đối không và nạp dữ liệu vào quả đạn. Sau khi rời bệ, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính để bay tới khu vực dự đoán có mục tiêu, trước khi kích hoạt radar chủ động để tìm kiếm và lao tới đích.

Tên lửa PL-15E rơi gần làng Kamahi Devi, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: War Zone
Chế độ này giúp máy bay không cần liên tục khóa mục tiêu sau khi phóng đạn và có thời gian thoát ly khỏi đòn bắn trả của đối phương. Tuy nhiên, điều này hạn chế đáng kể hiệu quả chiến đấu của tên lửa ở tầm xa, khiến tỷ lệ diệt mục tiêu thấp hơn cả tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động lạc hậu hơn.
"Nhiều khả năng quả đạn PL-15E không đến được mục tiêu và bay đến khi cạn nhiên liệu rồi rơi xuống đất. Tên lửa còn gần như nguyên vẹn là dấu hiệu cho thấy nó không kích hoạt chế độ tự hủy hoặc không có tính năng này", Trevithick nêu quan điểm.
Thu hồi được quả PL-15E còn tương đối nguyên vẹn có thể giúp Ấn Độ nghiên cứu năng lực và hạn chế của tên lửa, từ đó xây dựng biện pháp kỹ thuật, chiến thuật và quy trình mới để đối phó vũ khí đối phương.

Mô hình tên lửa PL-15E trong một cuộc triển lãm của Trung Quốc. Ảnh: Sina
PL-15 được Học viện Tên Lửa Hàng không Trung Quốc phát triển và thử nghiệm lần đầu tiên năm 2012, trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA). Phiên bản PL-15 nội địa của Trung Quốc có tầm bắn tới 300 km, trong khi mẫu PL-15E xuất khẩu có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 145 km.
Giới chuyên gia quân sự nhận định PL-15 là một trong những tên lửa không đối không tiên tiến nhất thế giới, cạnh tranh với dòng AIM-120 AMRAAM của Mỹ và R-77 Nga.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)