25.000 người xếp hàng chờ viếng Giáo hoàng Francis

3 nhiều giờ trước kia 3
ARTICLE AD BOX

25.000 người từ khắp nơi đổ về Vatican, xếp hàng từ sáng đến khuya trước Vương cung Thánh đường Thánh Peter để chờ được vào viếng Giáo hoàng Francis.

Linh cữu Giáo hoàng Francis ngày 23/4 được đưa tới quàn tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter trong ba ngày để tín đồ, người dân khắp thế giới có thể đến đây tưởng nhớ và từ biệt ông.

Hàng chục nghìn người từ sáng sớm đã tới Quảng trường Thánh Peter, chờ tại khu vực quy định để chứng kiến lễ di quan. Giáo hoàng qua đời ngày 21/4 tại Nhà Thánh Marta gần đó, hưởng thọ 88 tuổi.

Ngay khi lễ viếng bắt đầu lúc 11h ngày 23/4, đông đảo người dân, tín đồ đã xếp hàng tại Quảng trường Thánh Peter để vào Vương cung Thánh đường viếng Giáo hoàng.

Cảnh sát Italy cho biết 25.000 người đã tới viếng Giáo hoàng trong 9 tiếng của ngày đầu tiên. Họ xếp hàng dọc các con đường dẫn đến Vương cung Thánh đường Thánh Peter, nhiều người cầm ô để tránh nắng.

Để được vào Vương cung Thánh đường Thánh Peter, người dân phải trải qua các bước kiểm tra an ninh chặt chẽ như ở sân bay.

Dòng người bước qua Cửa Thánh lớn bằng đồng, di chuyển chậm bên trong Vương cung Thánh đường để tiếp cận linh cữu Giáo hoàng ở bục trung tâm.

Gia đình bà Abigail từ California, Mỹ đã mang theo thức ăn khi xếp hàng chờ gần như cả ngày. "Chúng tôi sẵn sàng chờ bao lâu cũng được. Được có mặt ở đây là một ân điển", bà nói.

Dòng người im lặng di chuyển dọc hành lang hẹp được thiết lập bằng các tấm chắn trong nhà thờ nguy nga, chờ đến lượt viếng Giáo hoàng Francis.

Francesco Catini, đã đi từ Venice đến Rome và chờ bốn tiếng để viếng Giáo hoàng Francis. "Đây là trải nghiệm thật đẹp. Với tôi, ông là gương sáng về tình yêu, hòa bình, và đức khiêm nhường", anh nói.

Linh cữu Giáo hoàng Francis được quàn tại trung tâm Vương cung Thánh đường Thánh Peter cho đến khi tang lễ diễn ra ngày 26/4.

Các thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ linh cữu Giáo hoàng suốt thời gian tang lễ.

Dù biết Giáo hoàng Francis lâm bệnh nặng trước khi qua đời, một số người xếp hàng chờ viếng vẫn bị sốc trước sự ra đi của ông, nhiều người bật khóc trong thánh đường.

"Thật khó diễn tả cảm giác khi biết Giáo hoàng không còn bên chúng ta nữa", Piotr Grzeszyk, đến từ Ba Lan, cho biết.

Vicky Cabral và gia đình từ Argentina, quê hương của Giáo hoàng Francis, đến Rome với mong muốn được nhìn thấy Giáo hoàng trong lễ phong thánh cho thiếu niên Carlo Acutis, dự kiến được tổ chức vào 27/4.

Dù lễ phong thánh cho Acutis đã bị hoãn vì Giáo hoàng qua đời, bà Cabral cho hay việc có mặt ở Rome vào thời điểm đặc biệt này "là một ơn lành".

"Đức Thánh Cha là một vị Giáo hoàng vĩ đại, tôi nghĩ ông cũng xứng đáng được phong thánh", bà Cabral chia sẻ.

Khác với truyền thống, Vatican không đặt di hài Giáo hoàng Francis trên bục cao, mà để trong quan tài gỗ đơn giản, lót vải đỏ, không đậy nắp để người dân có thể ngắm nhìn ông lần cuối.

Di hài của Giáo hoàng đã trải qua quy trình bảo quản tạm thời được gọi là thanatopraxy, bao gồm tiêm các chất bảo quản vào hệ tuần hoàn, giúp làm chậm quá trình phân hủy tự nhiên có thể đến 10 ngày.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni viếng Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter.

Lực lượng Cận vệ Thụy Sĩ làm công tác an ninh tại Vatican được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ khi Giáo hoàng qua đời. Giới chức Italy và thủ đô Rome cũng tăng cường các biện pháp an ninh để đảm bảo lễ viếng và tiếp đón các nguyên thủ, lãnh đạo tôn giáo và các tín đồ sẽ diễn ra an toàn.

Cảnh sát Italy đảm bảo an ninh tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican.

Các chiến đấu cơ Italy được đặt trong trạng thái sẵn sàng, trong khi các đơn vị bắn tỉa của cảnh sát được triển khai trên mái nhà dọc đại lộ lớn dẫn tới Quảng trường Thánh Peter. Khoảng 500 nhân viên y tế cùng xe cứu thương cũng túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố.

Đơn vị chống drone của quân đội Italy đứng gần Quảng trường Thánh Peter.

Một vùng cấm bay toàn diện cũng được thiết lập trên bầu trời thành phố Rome. Trực thăng cảnh sát liên tục tuần tra bên trên trung tâm Rome và đường vào Tòa thánh Vatican.

"Toàn bộ Vương cung Thánh đường Thánh Peter và các khu vực khác đều sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt", Lamberto Giannini, lãnh đạo an ninh Rome, cho hay.

Lễ viếng kéo dài đến nửa đêm và bắt đầu lại vào sáng nay. Do số người tới viếng quá đông, Vatican đang xem xét kéo dài thời gian mở cửa Vương cung Thánh đường Thánh Peter tới quá nửa đêm.

Theo di nguyện của Giáo hoàng, sau khi tang lễ được cử hành, ông sẽ an nghỉ tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Rome, Italy, cách Vương cung Thánh đường Thánh Peter khoảng 4 km. Ông sẽ là Giáo hoàng đầu tiên được an táng bên ngoài Thành Vatican trong khoảng một thế kỷ qua.

Sau khi tang lễ và nghi lễ chôn cất hoàn tất, giai đoạn quan trọng tiếp theo là Mật nghị Hồng y. Mật nghị thường được triệu tập 15 đến 20 ngày sau khi giáo hoàng qua đời để bầu giáo hoàng mới.

Đức Trung (Theo AP, AFP, Reuters)

Đọc toàn bộ bài viết